Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Những Giọt Sương Ngà




Tôi dựng chiếc xe đạp sát vào bức tường của tòa biệt thự, chiếc xe từ đời Bành tổ. Chắc là có vất bất cứ đâu cũng chẳng ai thèm lấy. Tuy vậy, tôi cũng khóa lại thật cẩn thận. Tôi bỗng mỉm cười khi nghĩ đến kỷ niệm vào mùa khai giảng cách đây hai năm.

Buổi sáng hôm ấy, trời trong xanh đẹp vô cùng. Gió hiu hiu thổi mát, tôi thong thả đạp chiếc xe cũ kỹ “lả lướt” trên đường Lê Lợi. Đến một quán sách quen thuộc bên lề đường tôi dừng lại, dựng “cu cậu” đứng bên một cây trụ điện, khóa lại hẳn hòi, rồi tản bộ quanh đó để mua một vài cuốn sách học cho mùa khai giảng sắp tới. Đến khi tôi trở lại “chốn cũ” thì “người xưa” đã đi đâu mất. Vâng, chiếc xe đạp của tôi không cánh mà đã bay đến… phương trời vô định nào rồi. Gia tài của tôi chỉ có độc nhất là chiếc xe đạp, thế mà nó lại bỏ tôi ra đi để tôi bơ vơ nơi “đất khách quê người”, trong túi không còn lấy một đồng về ô-tô buýt (bao nhiêu tiền bạc đã đổi lấy sách vở hết rồi). Tôi ôm mớ sách trên tay, đứng nhìn sững sờ vào cây trụ điện. Tôi có cảm tưởng như nó cũng đang nhìn lại tôi mà chế nhạo. Thôi, thế là hết!

“Xe đi đường xe tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi (1)
Ai nỡ chia loan và rẽ thúy
Từ nay ta vĩnh biệt em rồi”.

Tôi buồn tôi đi lang thang cũng bởi vì… em đó, em biết không hở chiếc xe đạp yêu quí của anh ơi! Tôi đi dọc theo lề đường Công Lý để tìm… cố nhân của tôi. Chao ơi, chả biết lúc này nó có thèm nghĩ đến tôi không mà tôi lại tha thiết đến nó như vậy. Tôi nhớ lại những kỷ niệm của hai đứa. Tôi cũng quên khuấy nó gốc người gì, chắc là Pháp, Đức hay Ý, Nhựt gì đó, chứ không phải là người Việt Nam (thật đáng buồn cho dân tộc chúng ta!). Nó đến với tôi khi đã “nửa chừng xuân”. Số là một ông bạn ba tôi mới mua một chiếc mobylette nên đào thải nó. Ông ta thấy tôi hằng ngày đi học phải dùng ô-tô buýt chen lấn cực nhọc quá, nên mới “rỉ tai” ba tôi mua cho tôi. (Thực ra nếu ba tôi không mua ông ta cũng bán cho người khác chứ chả tốt lành gì đâu). Đó có lẽ là lần sung sướng nhất trong đời tôi. Ba tôi bấm bụng bỏ ra 500 đồng để rước nó về “hầu hạ” tôi. Năm trăm đồng, đối với gia đình tôi lúc ấy không phải là một món tiền nhỏ. Tôi cưng nó lắm, tắm rửa và trang điểm cho cu cậu luôn. Cu cậu khoái tỉ, híp mắt cười hoài. Có một hôm cu cậu đi chơi với tôi, nổi hứng chạy bon bon, xổ dốc Công Lý và hôn vào một chiếc xe Mercedès vừa thắng gấp. Người tài xế bước xuống, chạy ra sau xem xét rồi gườm tôi một cái… tôi không dám nhìn lại. Tôi bước đến gần ông ta, cúi đầu nhìn xuống đất, năn nỉ:

- Thưa bác, cháu lỡ dại… vì bác thắng gấp quá cháu… cháu thắng lại hổng kịp.

- Chạy xe ẩu quá, coi chừng có ngày bỏ mạng nghe… con.

- Dạ.

Tôi dạ mà tôi không biết là mình muốn nói cái gì. Gã quày quả bước lên xe, ném lại một số âm thanh chát chúa:

- Đi đi.

- Dạ… cám ơn bác.

Khi chiếc Mercedès đã đi xa rồi, tôi bỗng mỉm cười một mình và tiếp tục cho hắn chạy theo.

Những kỷ niệm của tôi với nó thì còn nhiều lắm, như những lần đến trường sớm, cổng trường chưa mở,hai đứa đứng bên ngoài vừa nhấm nháp bánh mì vừa chờ đợi giờ vào, như những chiều nghỉ học hai đứa lang thang dưới bến Bạch Đằng hứng gió v.v… Càng kể nhiều càng thêm đau lòng chứ chả ích lợi gì.

Bây giờ nó không còn thuộc về tôi nữa. Trưa nay, biết ăn làm sao nói làm sao với ba má tôi đây. Thế nào ba tôi cũng mắng cho một trận (ấy là không kể có khi còn “được” ăn đòn nữa chứ!). “Mày là đồ ăn hại, có chiếc xe đạp mà cũng giữ không nên. May mà sắm xe đạp chứ sắm xe gắn máy cho mày thì cả nhà này có nước ăn xin hết”. Rồi đào đâu ra tiền để đi ô-tô buýt mỗi ngày. Tôi còn có cả một lũ em đông như gà. Ba má tôi nghèo, sắm một chiếc xe khác thật là một cao vọng đối với tôi. Điều đó, không bao giờ tôi dám nghĩ tới. Họa chăng là tôi sẽ nhịn tiền ăn quà sáng, để mua. Nhưng đâu phải hôm nào tôi cũng có tiền để ăn sáng. Thường thường, sáng nào chúng tôi cũng ăn cơm nguội. Năm khi mười họa mới có một hôm được phát tiền. Mà hôm đó phải nhịn ăn để dành tiền mua xe đạp thì thật là bất nhẫn. Vả lại nhịn như thế thì biết đến bao giờ mới đủ tiền mua xe?

Bỗng nhiên trước mắt tôi, dưới một gốc cây me, chiếc xe đạp của tôi hiện ra sừng sững. Đúng chiếc xe của tôi rồi : không đèn, không chuông, không “gạc đờ bu”, không đồ che sên, cũ kỹ xấu xí và thiếu thốn mọi thứ.

Chiếc khóa đã được mở tung ra. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, thì thấy một miếng giấy nhỏ dán trên chiếc yên xe với những hàng chữ : “Đừng khóa vô ích, Bảo tàng viện không cần dùng thứ này đâu”.

Tôi nửa mừng nửa tủi nhưng có lẽ mừng nhiều hơn, rồi phóc lên xe đạp từ từ. Mấy người thanh niên mặc đồ cao bồi, đứng bên kia đường, miệng phì phèo thuốc lá, chỉ về phía tôi, mỉm cười với nhau. Tôi không dám nhìn họ nữa và bỗng nhiên đạp thật nhanh dưới ánh nắng vàng rực rỡ ban trưa.

*

Sau một hồi do dự, tôi đưa tay bấm chuông rồi đứng chờ đợi dưới bóng cây hoa sứ từ trong tòa biệt thự vươn cành ra. Về mùa nắng, hoa nở thật nhiều, kết thành từng chùm trắng xóa. Trên cành không một chiếc lá xanh nào. Mấy cánh bướm bay vơ vẩn trên nền trời xanh nhạt. Một người đàn bà độ tứ tuần từ trong tòa biệt thự bước ra. Tôi đoán là một người giúp việc. Bà ta mở cánh cửa ngoài rồi mời tôi vào.

Lối đi có lót những tảng đá xám chen kẽ trên đám cỏ non xanh mướt. Những cây hoa sứ thả bóng mát loang lổ xuống hai bên lối đi. Chen vào đó, là những loại cây ăn trái như vú sữa, mãng cầu, xoài, ổi. Thật là một khu vườn lý tưởng. Cuối vườn là một cái hồ nhỏ nuôi cá vàng có đặt một hòn giả sơn ở giữa.

Tôi theo người đàn bà bước lên bực tam cấp. Bà ta mở cánh cửa phòng làm bằng kính mờ:

- Mời cậu vào, ông chủ đang chờ cậu trong đó.

Một người đàn ông mập mạp, đeo kính trắng, đứng dậy bắt tay tôi. Tôi rụt rè đưa bàn tay nhỏ bé cho ông ta nắm.

- Cậu ngồi chơi.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông ta một cách rụt rè. Lần đầu tiên tôi được ngồi trong một căn phòng quá sang trọng. Phòng có đặt máy lạnh, nên mới bước vào tôi đã cảm thấy như nhiệt độ trong người thay đổi một cách đột ngột. Trước mắt tôi, một tấm tranh sơn dầu thật lớn trình bày phong cảnh một buổi chiều ở thôn quê. Màu nắng vàng úa chảy dài trên những khóm tre, bên cạnh một mái tranh tồi tàn. Trên con đường ngoằn ngoèo màu nâu sẫm dẫn đến căn nhà đó, một vài thiếu nữ tóc bỏ ngang lưng thong thả bước với gánh lúa trên vai.

Mải mê ngắm bức tranh đầy màu sắc hòa hợp đó, tôi quên hẳn mục đích của mình. Người đàn ông bắt đầu gợi chuyện:

- Chắc cậu đến đây để nhận dạy giùm mấy cháu?

Đôi mắt tôi rời khỏi bức tranh, nhìn vào chiếc tủ kính đựng đầy ly tách quí giá:

- Dạ. Cháu có thấy đăng trên báo Người Việt nơi đây cần một chân kèm trẻ.

- Đúng vậy. Tôi nhờ cậu kèm hộ giùm cho ba cháu. Một đứa lớp nhất, một đứa lớp ba và một đứa lớp tư. Cậu có thể dạy mỗi ngày một giờ được không?

- Dạ được. Thưa ông, dạy buổi sáng hay buổi chiều ạ?

- Cậu dạy hộ buổi chiều vì buổi sáng chúng nó bận học ở trường. Chúng nó cũng khá thông minh nhưng phải cái tật là ưa làm biếng. Cậu cứ đánh thẳng tay, đừng ngại gì cả. Tôi không có bênh con một cách vô lối đâu.

- Dạ.

- Trước kia, cũng có người dạy chúng nó. Nhưng ông ta vừa mới bị động viên. Ông giáo đó, lấy mỗi tháng hai ngàn. Thôi, thì cứ y như giá cũ, cậu bằng lòng chứ?

- Dạ!

Lần đầu tiên đi dạy kèm tư gia, tôi đâu có biết số lương ấy có xứng đáng với công dạy dỗ của mình hay không? Tuy nhiên, tôi vẫn nhận lời. Hai ngàn đồng, đối với tôi là một món tiền lớn vô cùng. Chưa bao giờ tôi được làm chủ một số tiền lớn bằng ngần ấy. Tưởng tượng đến cuối tháng được cầm trong tay bốn tờ giấy bạc năm trăm, tôi đã sướng run lên được. Tháng đầu tiên, tôi sẽ dành số tiền ấy để mua cho mỗi người một món quà. Tôi sẽ chọn cho ba một chiếc cà vạt thật đẹp và màu thật nhã. Mua cho má một chiếc nón Huế mà má hằng mơ ước – tôi sẽ gởi dì Lan về Trung mua hộ, vì dì ấy ra vô luôn mà lỵ – Cho Thúy một chiếc áo dài màu thiên thanh (chắc cô bé thích lắm). Cho cu Linh một đôi giày ba ta có đóng đế đinh đi kêu lộp cộp đàng hoàng. Cu Dũng một cây viết máy Pilot. Bé Hồng một chiếc áo đầm màu hồng có thêu hoa cúc vàng. Bé Diễm một con búp bế biết mở mắt nhắm mắt để bé khỏi chơi nhờ với lũ bạn hàng xóm. Cu Tân còn bé, mua cho nó một chiếc mũ len hay đôi bít tất cũng được. Ấy quên, còn ngoại nữa. Mua cho ngoại cái gì nhỉ? Phải rồi, mua cho ngoại một hộp trái vải. Ngoại thích thứ này lắm cơ. Còn mình? Mình sẽ mua một cuốn sách thật hay và thật đẹp rồi viết : “Kỷ niêm đầu tiên khi bước chân vào đời. Dùng mồ hôi và nước mắt (!) để đổi lấy đồng tiền”. Phải rồi! Như thế có vẻ nên thơ và… tiểu thuyết lắm!

Nhưng, với số tiền hai ngàn đồng, chả biết tôi có mua đủ ngần ấy thứ không? Mặc, để rồi mình sẽ tính. Còn các tháng sau tôi sẽ đưa hết cho má để sắm sửa cho các em hoặc lo miếng ăn, miếng uống cho gia đình. Khi nào cần, tôi sẽ xin trở lại một ít.

Tôi thấy lòng lâng lâng vui sướng, chợt mỉm cười mãn nguyện. Ông chủ nhà tự nhiên thấy tôi mỉm cười tưởng tôi chê ít:

- Đối với cậu, hai ngàn đồng có lẽ hơi ít phải không?

- Dạ không. Cháu đã nhận lời rồi mà.

- Vậy, ngày mai cậu bắt đầu dạy được chứ?

- Dạ. Chiều mai cháu sẽ lại.

Tôi đứng dậy xin phép ông ra về. Ông thân mật bắt tay tôi và đưa ra đến tận cổng.

Tôi cúi đầu chào ông ta một lần nữa. Ông ta đóng hai cánh cổng sắt lại. Tôi bỗng ao ước một tòa biệt thự như thế. Niềm ao ước cao vòi vọi, cao hơn cả tòa biệt thự, chắc chắn không đời nào tôi với tới nhưng vẫn thích được ao ước như thế.

Chiến tranh đã làm đảo lộn tất cả. Ngày xưa, gia đình tôi đâu đến nỗi khổ sở như thế này. Khi ba má tôi còn ở ngoài Trung, chúng tôi cũng có nhà cao cửa rộng như ai. Trước nhà cũng có một khu vườn đầy cây ăn trái và muôn vàn sắc hoa chen chúc. Nơi đó, biết bao kỷ niệm ấu thơ hãy còn để lại vết tích trong trái tim nhỏ bé của tôi. Rồi chiến tranh ùa đến, người ta tập trung dân chúng vào các ấp tân sinh. Bao nhiêu công lao gầy dựng từ bấy nhiêu đời, bỗng chốc biến thành đống tro tàn dưới sức tàn phá của bom đạn. Với đời sống tù túng trong các ấp chiến lược, chúng tôi chịu không nổi đành phải vào Saigon. Ba má tôi bắt đầu một cuộc gầy dựng khác bằng hai bàn tay trắng. Mấy năm trước, tôi hãy còn nhỏ nên chưa giúp ích gì được cho gia đình. Hơn nữa, ba má tôi rất cưng con, các người không muốn tôi phải vào đời quá sớm. Ba tôi thường bảo : “Con ráng học cho thật giỏi là ba má vui lòng rồi. đừng nghĩ gì đến chuyện đi làm. Con còn nhỏ, tương lai con còn dài. Thiếu gì ngày để con đi làm. Bây giờ cứ lo việc học đã. Ráng lên, chứ rớt phải đi lính rồi con sẽ hối hận”. Nhưng tôi không thể cứ ăn bám vào gia đình mãi. Làm sao yên tâm được để lao đầu vào sách vở khi cảnh nheo nhóc túng quẫn cứ diễn ra hằng ngày hằng hữa. Nếu mình không giúp ích gì cho ba má, ít ra mình cũng không phải là kẻ ăn bám gia đình chứ? Hơn nữa, mình là anh cả của một bầy em sáu đứa, đã từng này tuổi rồi mà chưa sắm cho em được một chiếc kẹo, chiếc bánh thì còn gì xấu hổ cho bằng. Mai mốt đi lính… công ơn cha mẹ vẫn chưa đáp đền… mình sẽ ân hận suốt đời. Nghĩ thế, tôi xin ba má tôi đi làm. Thằng Tài giới thiệu cho tôi một chỗ ở sở Mỹ, lương khá cao. Tôi hỏi ý kiến ba tôi, ông bảo : “Mày làm sở Mỹ tao từ mày luôn”. Sáng nay, mới mua tờ báo, đọc nơi mục rao vặt, thấy có một nơi cần sinh viên còn trẻ, tôi nói:

- Thôi, bây giờ ba cho con đi dạy ở chỗ này nha!

Ba tôi đọc xong lời rao ấy, miễn cưỡng trả lời:

- Ba đã nhiều lần nói với con là ba không muốn con đi làm. Nhưng con cứ đòi đi hoài, lần này ba đành chiều con vậy. Dẫu sao, đi dạy ở tư gia nó vẫn chiếm ít thì giờ của con hơn. Nhưng thực lòng là ba không muốn tí nào đâu.

Đôi mắt ba tôi chơm chớp, ông quay đi nơi khác, không còn nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi ngập ngừng:

- Tóc ba đã bắt đầu lâm râm bạc rồi mà vẫn chưa có một căn nhà để ở. Con không còn muốn đi học nữa. Con muốn vào đời ngay từ hôm nay.

- Không được! Con phải nghĩ đến tương lai của con! Đời ba bây giờ không phải sống cho ba nữa mà sống vì các con. Con phải hứa với ba là con chỉ dạy một nơi ấy thôi, còn để tất cả thì giờ cho việc học. Có thế, ba mới cho con đi dạy.

- Con xin hứa.

Nói xong, tôi xin phép ba rồi xách xe đạp chạy một mạch ra đường. Ba tôi cũng lo sửa soạn đi làm. Má tôi đã gánh hàng rong ra chợ từ lúc trời chưa sáng hẳn. Các em tôi, có đứa đi học, có đứa đang chơi với lũ trẻ hàng xóm. Thúy bận đưa cu Tân ở nhà sau nhưng nó đã nghe được những lời đối thoại giữa ba tôi và tôi.

Lúc tôi về đến nhà, Thúy đã ngủ tự bao giờ trên chiếc võng gai với cu Tân. Mái tóc nhung huyền buông lơ lửng trên mặt đất và phủ một phần gương mặt hiền hậu của cô bé. Tôi thấy thương Thúy quá! Mới ngần ấy tuổi đầu mà biết bao nhiêu khổ cực đã đến với nó. Thúy nhỏ hơn tôi ba tuổi, năm nay cô bé mười bảy. Cái tuổi đầy hoa đầy mộng, và thêu dệt biết bao niềm mơ ước trong lòng. Thúy học đến đệ nhị rồi đành phải nghỉ học, ở nhà giúp má tôi nấu cháo nấu chè đi bán và săn sóc các em. Trong các em của tôi, tôi thương Thúy nhất, bởi nó bị thiệt thòi hơn cả.

Thúy đang ngủ, tôi không muốn làm mất giấc ngủ của em. Nhưng vô tình, tôi đụng phải một đầu võng, cô bé chợt giật mình thức giấc.

- Anh về lúc nào sao không kêu em dậy?

- Anh mới vừa về. Tính để em ngủ nhưng đã làm em thức giấc. Em ngủ tiếp đi, khi hôm thức khuya quá phải không?

- Em đưa cu Tân rồi ngủ luôn. Chả biết nó ngủ lúc nào… Mấy giờ rồi anh? Em dậy nấu cơm chứ ba má về bây giờ.

Tôi nhìn chiếc đồng hồ để trên bàn. Chiếc đồng hồ đã cũ, một người bạn của ba tôi cho từ đời nào.

- Mới có 10 giờ hơn. Còn sớm chán mà.

- À! Khi mai giờ anh chưa ăn gì hết. em lấy cơm chiên cho anh ăn nghe, em để phần cho anh đó. Cơm chiên ngon lắm!

- Sao không cho các em nó ăn?

- Mấy đứa lớn ăn rồi, còn mấy đứa nhỏ ăn cháo.

- Em ăn chưa?

- Em cũng ăn rồi.

Tôi cảm thấy một niềm vui nho nhỏ, thật nhẹ như tia nắng vàng chiếu xuyên qua đám mây, tâm hồn như một con suối hiền thật ngọt chảy qua cánh đồng cỏ non xanh mướt. Một nỗi êm đềm bao la phủ mát trên từng làn da thớ thịt.

*

- Tuấn! Đưa thời khóa biểu thầy coi. Ngày mai có những bài gì nào?

- Thưa thầy, Đức dục, Sử ký, Thường thức và Toán đố.

- Thuộc bài chưa? Đọc thầy nghe xem nào!

- Thưa thầy, mới thuộc có bài Đức dục với Sử ký còn Thường thức em chưa thuộc. Toán đố về động tử nghịch chiều khó quá em làm chưa được.

- Sao không chịu học bài Thường thức?

- Dạ em học không kịp.

- Sao lại không kịp, lo đi chơi phải không? Đưa tay ra đây. Nga, đưa thầy mượn cây thước kẻ, mau lên!

Bé Nga đang hí hoáy viết, nghe tôi gọi, nó giật nẩy mình, cầm cây thước rụt rè đưa tôi rồi tiếp tục viết.

- Thầy đã dặn cứ mỗi bài không thuộc là được “ăn” ba thước, em nhớ không?

- Dạ nhớ!

- Đưa tay ra đây!

Tuấn do dự một lúc rồi từ từ đưa tay ra phía trước bàn.

- Giơ cao lên, không thôi đụng bàn đau lắm đó. Cấm thụt nghe không? Thụt một cái là thầy đánh thêm năm cái nữa. Nhớ không?

- Dạ nhớ!

- Lần sau phải học bài cho thuộc nghe không? Đừng lười biếng nữa nha!

- Dạ.

Tôi giơ cây thước lên thật cao và quật xuống thật mạnh. Thằng bé xuýt xoa mấy cái, rồi lấy tay kia xoa xoa lên bàn tay vừa bị đánh.

- Em đổi tay khác nghe thầy. Thầy đánh đau quá!

- Có đau mới chịu học! Ai biểu lười biếng.

Thằng bé đưa tay kia ra. Tôi quất mạnh xuống hai thước nữa. Mặt nó nhăn nhó, nhưng không dám khóc.

- Đọc bài Đức dục với Sử ký xem nào.

Nó lấy sách đưa tôi rồi đứng vòng tay lại đọc một hơi từ đầu đến cuối, xong bài này đến bài khác.

- Khá lắm! Học tiếp bài Thường thức đi. Toán đố chốc nữa thầy giảng.

Tôi quay sang cô bé:

- Bé Nga thuộc bài chưa? Mai có những bài gì nào?

- Thưa thầy Học thuộc lòng, Ngữ vựng và Toán nhân.

- Đọc bài Học thuộc lòng xem nào.

- Thưa thầy bài:

    Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
    Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

- Được rồi, đọc tiếp bài Ngữ vựng.

- Thưa thầy, bài “giúp đỡ bạn bè”.

Nga đọc thật trơn tru, không vấp váp một chữ nào. Bé Nga học bài rất chóng thuộc (hình như đó là môn sở trường của con gái hay sao ấy) nhưng nó lại dốt toán.

- Đưa mấy bài toán nhân thầy xem nào!

Bé cầm cuốn sách đưa tôi, rồi ngó anh nó, lè lưỡi một cái.

- Sai nữa rồi! Sáu lần bảy bao nhiêu hở bé?

- Thưa thầy sáu lần bảy bốn hai.

- Viết mấy nhớ mấy?

- Viết bốn nhớ hai. Ý quên, viết hai nhớ bốn.

- Sao em lại viết ba nhớ bốn?

- Thưa thầy… em quên.

- Đưa tay ra đây, quên thì đánh hai thước cho nhớ!

Chưa chi bé đã rươm rướm nước mắt rồi. Con gái ưa làm nũng với thầy lắm, chưa đánh đã khóc. Nhưng đối với tôi, không bao giờ có chuyện “ân xá” xảy ra.

Tôi đánh cô bé hai thước, nó ngồi thút thít mãi.

- Sửa bài toán này đi, rồi lấy sách toán đố ra thầy cho bài làm bây giờ.

Nó đưa sách toán cho tôi. Tôi nhìn đăm đăm vào trang sách mà không đọc được chữ nào. Trí tưởng tôi chợt bay đến một khung trời ấu thơ, với những sáng ươm ướp sương mai, những chiều nắng vàng loang loáng, những trưa mùi lúa chín xông lên ngào ngạt. Ở đó bao nhiêu kỷ niệm đã nảy mầm trong quả tim hồng nhỏ bé của tôi. Con đường đi đến trường có nhiều cỏ gà và hoa mút mật màu đo đỏ. Có nhiều trái mú dẻ màu vàng tươi như những quả chuối mật, nhỏ bằng ngón tay cái thơm ngon vô cùng. Năm ấy, tôi cũng bằng tuổi bé Nga bây giờ và cũng đang học lớp tư. Độ nhỏ tôi rất dốt môn chánh tả. Có một lần thầy giáo cho viết một bài độ năm giòng, thế mà tôi viết đến mười lỗi. Ông ta bắt tôi giơ hai bàn tay ra, để sấp xuống, mỗi bàn lãnh năm thước. Cái thước đâu phải nhỏ như thước bây giờ. Nó to bằng một ngón tay cái của người lớn, làm bằng gỗ mun đen tuyền và chắc vô cùng. Tôi bị đánh đau quá, khóc ré lên và chạy ù một hơi về nhà, mặc cho tiếng thầy giáo gọi lại. Má tôi cầm hai bàn tay sưng rướm máu của tôi, khóc nức nở. Ngoại tôi chạy đi kiếm dầu kiếm thuốc xoa bóp cũng rưng rức khóc theo. Nhưng trưa ba tôi về, ông vẫn bình tĩnh như không, còn bảo đáng kiếp ai bảo không chịu học. Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng, không chịu đi học nữa. Ngoại và má đều bênh tôi. Nhưng chừng vài ngày sau ba tội lại đích thân dẫn tôi đến trường giao cho ông thầy giáo nổi tiếng “ác” với học sinh đó. Từ đó về sau, tôi không bị một trận đòn nào lớn hơn nữa. Cho đến bây giờ, tôi trở thành thầy giáo, mặc dù chỉ là một “cậu giáo” dạy kèm chứ chả danh giá gì. Bỗng nhiên, tôi thấy thương Tuấn và bé Nga quá. Tôi không ngờ là mình đã đánh chúng nó, mặc dù những thước roi này so với những thước roi tôi bị cách đây mười mấy năm thì chả thấm thía vào đâu. Tôi vuốt mái tóc bé Nga rồi hỏi:

- Đau không bé?

- Đau quá thầy.

- Đau không Tuấn?

- Đau quá thầy.

- Có giận thầy không Tuấn?

- Dạ không. Thầy thương em thầy mới đánh chớ, em đâu dám giận thầy.

- Còn bé?

- Bé cũng không giận thầy đâu. Bé thương thầy lắm chứ bộ.

- Thôi, Lộc đọc bài thầy nghe đi nào! Nga làm bài số 2 trang 83 nhé!

*

Tôi bỏ bốn tờ giấy năm trăm vào túi, chào ông chủ nhà, rồi ra về. Món tiền đầu tiên do công lao mình tạo nên. Nó thật to lớn đối với tôi vì chưa bao giờ tôi được làm chủ món tiền như thế. Nhưng nó cũng thật nhỏ bé, ít ỏi vô cùng, khi tôi nghĩ đến ba mươi ngày dài đã qua, tôi tốn không biết bao nhiêu sức lực, để cuối cùng lãnh được bốn tờ giấy như thế. Tôi nhớ đến những lần phải giảng rát cả cổ, khô cả tiếng mà chúng nó vẫn chưa hiểu. Tôi vẫn nhẫn nại, kiên gan nói đến khi chúng hiểu mới thôi. Bực bội khi chúng không làm bài, giận dữ khi chúng nghịch ngợm. Đổng thời, tôi cũng tìm thấy những niềm vui nhỏ bé trên những gương mặt măng sữa đó, mỗi khi chúng làm được một bài toán đố khó hay viết bài chánh tả không có lỗi nào. Tôi rất nghiêm trong lúc học và thật dễ dãi trong lúc hết giờ, ngồi chơi. Chúng nó kể cho tôi nghe mọi chuyện ở trường, ở lớp, ở nhà. Chuyện bạn bè, chuyện thầy giáo cô giáo của chúng nó. Chúng xem tôi như một người anh cả trong gia đình hơn là một ông thầy. Tôi cũng thương chúng như lũ em tôi.

Chiếc xe đạp lăn bánh trên con đường nhựa loang loáng ánh nắng buổi chiều. Sao hôm nay con đường dài ghê! Tôi vừa đạp xe, vừa huýt sáo miệng. Quanh tôi, cảnh vật như bừng lên một nguồn sống mới. Lá hai bên đường như xanh hơn mọi ngày. Hoa rực rỡ và nắng cũng vàng hơn mọi ngày. Tôi nghe văng vẳng như có tiếng chim hót đâu đây (hay tiếng chim đã hót tự đáy lòng tôi). Một niềm vui bao la ùa đến như một cơn gió mát thoáng qua, tôi khẽ mỉm cười mãn nguyện.

Má sẽ có một chiếc nón Huế. Ba sẽ có một chiếc cà vạt thật đẹp. Thúy sẽ có một chiếc áo dài màu thiên thanh. Ngoại một hộp trái vải. Và các em tôi… với những món quà nho nhỏ… Tôi sẽ nắn nót viết từng chữ trên quyển sách mà tôi hằng mơ ước “Kỷ niệm đầu tiên khi bước chân vào đời. Dùng mồ hôi và nước mắt để đổi lấy đồng tiền”.

Niềm mơ ước bay cao tuyệt vời, lóng lánh như những hạt sương mai trắng ngà.

Tôi sẽ dành một sự ngạc nhiên vô cùng cho mọi người. Con sẽ đợi dì Lan đi Huế về, con mới đưa chiếc nón bài thơ cho má, một lượt với chiếc cà vạt của ba. Ngoại ơi, chờ con nghe ngoại. Con sẽ mua một hộp trái vải thật ngon ngoại nhé! Con sẽ nhờ Thúy đi mua với con chứ con đâu biết trả giá. Con sẽ bảo Thúy lựa thứ nào thật to, thật trắng và thật nhiều cơm. Chắc ngoại thích lắm phải không? Còn Thúy, anh sẽ dẫn Thúy đi lựa hàng. Ừ! Chiếc áo dài màu thiên thanh mà em hằng mơ ước đó. Chắc em sẽ ngạc nhiên vô cùng phải không? Rồi hai anh em mình đi mua đồ cho lũ nhỏ nữa Thúy nhé! Đừng cho ai biết hết nghe. Chỉ một mình anh với Thúy biết thôi, chịu không?

Chiếc xe đạp vừa lách vào đầu hẻm, đã nghe tiếng cãi lộn vang lên. Hình như những âm thanh ấy phát ra từ ngôi nhà nhỏ bé nghèo nàn của tôi. Linh tính báo trước như sắp có một việc gì chẳng lành xảy ra. Tại sao lại ở nhà tôi nhỉ? Tôi dựng chiếc xe đạp dựa vào hông nhà, rồi ái ngại bước vào.

Một người đàn bà mập mạp, gương mặt dữ tợn. Hai hàng lông mày rậm và đen như hai con đỉa đang cắn nhau trên vầng trán hẹp. Đôi mắt lươn nham hiểm thủ đoạn. Chiếc mũi dẹp như một quả cà chua ai đặt vào giữa khuôn mặt. Mới nhìn, tôi đã không có một chút cảm tình nào. Tôi chào bà ta. Bà ta vẫn thản nhiên ngồi trên chiếc ghế dựa, quay mặt đi nơi khác, không thèm trả lời. Má tôi ngồi dưới đất, như đang quì dưới chân bà. Giọng bà ta xỉa xói:

- Chị hứa với tôi là cứ 20 tây chị sẽ đem đủ tiền lời đến cho tôi. Năm trăm bạc đâu có là bao nhiêu, sao chị dễ nuốt lời hứa quá vậy? Còn tiền vốn, năm ngàn, chừng nào có chị đưa cũng được, tôi có nói gì đâu?

Má tôi nói như muốn khóc:

- Bà hai thông cảm giùm tôi, tội nghiệp. Tôi tuy nghèo, nhưng lúc nào cũng muốn giữ lời hứa! Mấy tháng trước tôi đều đưa đúng ngày, có tháng nào trễ hẹn với bà hai đâu. Nói thật bà hai thương, tháng này chẳng may thằng cu Tân nhà tôi nó bị đau, tốn không biết bao nhiêu thuốc thang, nó mới khỏi được mấy hôm. Thành thử kẹt tiền cho bà hai, tôi cũng không dám lại để hẹn với bà hai…

- Ai thương tôi mà tôi thương chị? Con chị đau thì chị biết chứ làm sao tôi biết được?

- Bà hai thông cảm giùm… từ nay đến năm tây, thế nào tôi cũng đem tiền lời đến cho bà hai.

- Không thông cảm thông cúm gì hết. Chị không trả tôi cứ ở hoài ở đây, cho đến khi nào chị trả thì thôi.

- Tội nghiệp tôi mà, bà có đợi cách mấy, tôi cũng không kiếm đâu ra để đưa bà hai.

- Ăn nói ngon nhỉ? Bây giờ chị lì rồi phải không? Được rồi, để tôi mời cảnh sát vô đây nói chuyện với chị.

Rồi bà bước ra ngoài. Chả biết nghĩ sao bà ta lại bước trở vô:

- Được rồi, mày không trả thì thôi. Tao cũng chả cần mời ai hết. Mai tao thuê cao bồi đến đây nó hỏi tội mày. Bộ bay tưởng ăn cướp ăn giựt dễ lắm sao? Cướp giựt của ai chứ cướp giựt con này không được đâu nha! Nói trước cho biết.

Má tôi lặng thinh. Má không nói thêm được lời nào nữa. Những lời xỉ vả ấy như những nhát dao chém vào đầu óc tôi. Tôi không thể nào chịu được. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe một người mắng má tôi vì vấn đề tiền bạc. Cũng chỉ vì nghèo mà ra thế. Ngày trước, khi chưa chiến tranh, gia đình tôi còn ở ngoài xứ, có ai dám nói nặng với má tôi một lời nào đâu, nói chi đến chuyện mắng mỏ. Tôi cảm thấy một nỗi tủi nhục trào lên đến tận cổ. Và trong bỗng chốc, một quyết định đến với tôi thật nhanh. Tôi thò tay vào túi quần, móc ra bốn tờ giấy năm trăm:

- Bà hai, bà nên giữ lời một chút! Đây, tiền của bà đây! Bà lấy đỡ hai ngàn… hai tháng sau tôi sẽ thanh toán đủ cho bà!

Đôi mắt bà sáng lên, bà ta đưa tay vói lấy bốn tờ giấy bạc bỏ gọn vào túi rồi phân bua với má tôi:

- Như vậy là chị mới trả cho tôi có một ngàn rưỡi. Còn năm trăm là tiền lời phải không?

Má tôi rươm rướm nước mắt, khẽ gật đầu. Người đàn bà vui vẻ bước ra, không thèm chào ai hết. Má tôi nghẹn ngào, không dám ngước mắt nhìn tôi, có lẽ má sợ sẽ không giữ được những giọt nước mắt của mình.

- Minh!... Tháng lương đầu tiên trong đời con… là để trả nợ cho má…

- Con… con… không muốn ai… mắng má hết!

Những niềm mơ ước của tôi lóng lánh như những giọt sương mai trắng ngà. Những giọt sương đã tan rã vì một tia nắng ấm mới lên. Tia nắng ấm là niềm vui trong lòng má và niềm vui ấy đã sưởi ấm tâm hồn con. Con đã đổi những giọt sương ngà để xin một tia nắng ấm, má biết không hở má? Giọt sương thì vô cùng mong manh và tia nắng vô cùng ấm áp má ơi!


TRINH HOÀNG

__________________
(1) Nhại thơ Thế Lữ


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 104, ra ngày 15-4-1969)


Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

CHƯƠNG XV, XVI_PHO TƯỢNG RỒNG VÀNG


XV

SÀO HUYỆT BỌN CƯỚP 

 

Tôi đến gặp anh Đông đúng lúc 8 giờ tối. Anh chờ tôi trước nhà. Chúng tôi đi ngay.

Tôi hỏi anh :

- Mình đi đâu hả anh ?

Anh Đông trả lời :

- Đến sào huyệt bọn cướp.

Tôi vẫn còn thắc mắc :

- Làm sao anh biết được ?

Anh Đông mỉm cười bí mật :

- Cứ theo anh sẽ biết !

Anh Đông dẫn tôi đến một tiệm sửa xe Honda ở đường Phan Đình Phùng. Đúng là nơi người gác đêm đem xe đến sửa. Đến trước cửa tiệm đó, anh Đông ngó dáo dác một hồi rồi ra dấu tôi theo anh. Ngạc nhiên, nhưng không kịp hỏi tôi phải lái xe theo sau anh. Thình lình tôi thấy dưới đường có những vệt ánh sáng kéo dài ra phía trước. Ánh sáng của lân tinh. Chợt nhớ ra, tôi la lên :

- Calci có pha lưu huỳnh !

Anh Đông ngó tôi cười :

- Đúng ! Em khá thông minh đấy ! Đó là hy vọng độc nhất của chúng ta hiện tại. Nhờ calci có pha lưu huỳnh chúng ta có thể theo dõi đến tận sào huyệt bọn cướp do người gác đêm đưa đường.

- Nhưng... em chưa hiểu rõ... tại sao do người gác đêm đưa đường ?

- Dễ quá, 09 ! Anh đã đem bột calci có pha lưu huỳnh đến trét vào bánh xe Honda của người gác đêm. Khi hắn ta lái xe, nhất định bánh xe sẽ để lại vệt sáng trên đường. Nhờ đó mình có thể theo dõi nếu quả thực hắn là đồng lõa của bọn cướp.

Tôi vẫn còn thắc mắc :

- Nhưng làm sao anh trét bột đó vào bánh xe được ?

Anh Đông ngó tôi cười :

- Đó là do mánh lới riêng… của nghề thám tử.

Theo dấu vết sáng trên mặt đường, chúng tôi đi lần đến ven đô. Đến một ngả quẹo, vết sáng biến mất.

Tôi thất vọng :

- Thôi ! Mất dấu rồi ! Làm sao bây giờ hả anh ?

Anh Đông nói :

- Làm sao mất được ? Em xem kìa !

Tôi ngó theo tay anh Đông chỉ. Chiếc xe Honda đỏ mang số SZ 1027837 của người gác đêm đang dựng ở hàng rào một biệt thự nhỏ. Cạnh đó, chiếc xe hơi Toyota của tên Quynh. Chúng tôi tiến sát đến biệt thự núp vào một chỗ an toàn. Thình lình tiếng chó sủa nổi lên.

Tôi hoảng sợ :

- Đi anh ! Kẻo chó ra cắn...

Anh Đông bình tĩnh :

- Chờ chút xem sao !

Lúc đó, cửa biệt thự mở. Chúng tôi thấy bốn năm người đi ra trong đó có người gác đêm và bọn gian mấy ngày trước ở khách sạn.

Thấy đã đủ, anh Đông ra dấu cho tôi lái xe trở về.

Về đến nhà, anh Đông ngồi phịch xuống ghế và nói :

- Chúng ta đang ở vào tình trạng tuyệt vọng. Phải chi mình còn bản chép hàng chữ Tàu...

Anh Đông bèn lấy cuốn sổ tay ra lật vài trang.

Thình lình anh nói lớn :

- Hương ! Em xem này !

Anh Đông đưa một trang giấy trắng để lên phía bóng đèn. Tôi thấy những vết chữ Tàu nổi rõ lên trong ánh sáng.

Anh Đông cười sung sướng :

- Hay quá ! Anh đã viết hơi mạnh nên ăn qua cả trang kế.

Anh Đông bèn lấy bút chì đồ lại hàng chữ Tàu đó. Xong xuôi anh nói với tôi :

- Sáng mai mình đem tờ giấy này đến cho Quách Tĩnh và Xu Xu xem.

Nhưng sáng hôm sau, mãi đến hơn mười giờ Quách Tĩnh và Xu Xu ở Vũng Tàu mới về tới. Anh Đông bèn thuật cho cả hai nghe rành mạch các biến cố đã xảy ra. Đến chỗ mất bức ảnh nổi, Quách Tĩnh có vẻ hết sức giận dữ. Nhưng hắn ta bớt giận ngay khi nghe anh Đông nói là có chép lại được hàng chữ Tàu. Anh Đông đưa cho Quách Tĩnh xem trang giấy có ghi hàng chữ đó.

Quách Tĩnh nói :

- Không biết nị ghi có đúng không ? Chữ Tàu khó lắm, chỉ sai một nét là có thể biến đổi nghĩa cả một câu.

Nói xong, Quách Tĩnh bèn quan sát hàng chữ. Một lúc sau, Quách Tĩnh nói :

- Chữ viết xấu quá, nhưng may, ngộ cũng có thể đọc được. Câu này nghĩa như sau :

Sung sướng thay kẻ tìm ra trứng Rồng Vàng.

Vừa nghe Quách Tĩnh nói xong, anh Đông la lên :

- Trứng Rồng ! Đúng là chuỗi ngọc rồi !

Anh Đông quay qua tôi :

- Hương ! Em nhớ xem trong xưởng nắn tượng ở trường có pho tượng nào hình con Rồng không?

Tôi cố moi óc nhưng vẫn nhớ không rõ. Tôi trả lời anh Đông :

- Em không nhớ rõ ! Có lẽ có chứ !

Anh Đông nhăn trán :

- Anh chắc chắn Con Rồng Vàng ở trong xưởng đó !

Vừa nghe anh Đông nói xong Quách Tĩnh la lên :

- Như thế ngộ phải vào đó tìm chiếc vòng hột xoàn ngay !

Anh Đông cản :

- Khoan đã, Quách Tĩnh ! Hiện giờ nhà trường đóng cửa. Anh không thể vào đó được !

Quách Tĩnh cãi :

- Tại sao không ? Mình phải vào đó ngay kẻo không kịp với bọn cướp !

Vừa nói xong câu đó, Quách Tĩnh chạy đi ngay.

Anh Đông hoảng hốt :

- Chặn Quách Tĩnh ngay lại ! Không thôi hỏng cả !

Nhưng chúng tôi chả cần rượt theo Quách Tĩnh vì vừa ra khỏi phòng, Quách Tĩnh chạm ngay ông bà Hùng, cha mẹ nuôi của Xu Xu.

Bà Hùng mặt xanh lè xanh lét, còn ông Hùng nhìn chúng tôi có vẻ giận dữ chứ không có vẻ vui tươi như thường lệ. Ông nắm tay Quách Tĩnh kéo vào. Ông nói :

- Tất cả nghe tôi nói ! Ở đây đang có chuyện mờ ám phải không ? Tôi muốn biết rõ chuyện đó.

Vừa nghe ông Hùng nói xong, Quách Tĩnh cúi đầu :

- Thưa ông ! Xin ông bà đừng lo gì hết !

Ông Hùng la lên :

- Lo chứ ! Tôi có trách nhiệm trong ngôi nhà này. Chuyện gì ? Cho tôi biết ngay ! Cái gì là Con Rồng Vàng, chuỗi hột xoàn ?

Ông Hùng gằn giọng nói từng tiếng một.

Chúng tôi nhìn nhau. Ông Hùng đã biết, nếu không biết tất cả thì cũng biết đầu dây mối nhợ chuyện quan trọng ám ảnh chúng tôi. Mà tại sao ông biết được ?

Như đọc được ý nghĩ trong đầu óc chúng tôi, ông Hùng nói :

- Khi tôi vừa về đến nhà, tình cờ tôi nghe trong này bàn luận !

Lúc đó, anh Đông đứng dậy :

- Thưa bác ! Cháu xin thuật lại cho bác nghe rõ chuyện từ đầu đến cuối.

Anh Đông thuật lại cho ông bà Hùng nghe diễn biến câu chuyện kể từ cái chết của ông bà Xu Hào. Khi anh Đông thuật xong, ông Hùng có vẻ suy nghĩ. Một lúc sau, ông nói :

- Chuyện vừa rồi có vẻ rất khó tin, tuy nhiên bác tin các cháu không nói dối. Nhưng bác không thể nào để các cháu sống trong nguy hiểm như thế được vì đụng độ bọn cướp đâu phải là dễ ! Bác phải dẫn các cháu lại cho cảnh sát họ biết.

Anh Đông không bằng lòng ý kiến của ông Hùng. Anh nói :

- Thưa bác ! Như thế thì hỏng cả. Vì phải cần một thời gian khá lâu mới thuyết phục cảnh sát tin mình được. Cháu sợ khi mình thuyết phục được
cảnh sát thì bọn cướp đã đoạt được chiếc vòng hột xoàn và cao bay xa chạy rồi !

Ông Hùng gật gù :

- Cháu Đông có lý ! Hiện giờ mỗi phút quý giá vô cùng. Làm sao bây giờ ?

Ông Hùng ôm trán. Một lúc sau ông đứng dậy, vừa đi vừa nói với chúng tôi :

- Để bác hỏi ông Nhân bạn của bác thử xem ! Ông Nhân có quen với ông cò cảnh sát và đã từng là một thám tử.

Ông Hùng đến bàn nhấc điện thoại quay số. Chỉ năm phút sau là ông Nhân đến. Chúng tôi bèn thuật lại cho ông Nhân nghe tất cả câu chuyện. Ông Nhân có vẻ ngạc nhiên. Và càng ngạc nhiên dữ hơn khi ông nghe chúng tôi nói đến tên Quynh. Quynh là một tên cướp lợi hại có thành tích mà ông Nhân đã từng gặp khi còn làm thám tử. Ông Nhân rút sổ tay trong túi ra ghi vài chi tiết quan trọng, xem lại câu văn bí mật chữ Tàu rồi nói :

- Trứng rồng vàng ! Có thể nhờ câu này mình tìm lại được chiếc vòng hột xoàn. Nhưng không thể nhờ cái đó mình bắt được tên Quynh và đồng bọn, phải làm sao bắt quả tang chúng để trừ một mối họa cho xã hội !

Anh Đông góp ý kiến :

- Bác Nhân có lý ! Cháu xin đề nghị với bác một kế hoạch có thể bắt được bọn cướp quả tang một cách dễ dàng !

Ông Nhân ngạc nhiên :

- Kế hoạch của cháu như thế nào ?

Anh Đông nói rất rành mạch rõ ràng :

- Kế hoạch rất giản dị. Tối nay khoảng 8 giờ, em Hương sẽ đi đến trường tìm cách gặp người gác đêm và như các lần trước, em Hương cho người gác đêm biết các tin mới về vụ chiếc vòng hột xoàn. Rồi em nói cho người gác đêm biết là sáng mai
cảnh sát sẽ vào lục soát trường để tìm chiếc vòng hột xoàn.

Anh Đông vừa nói tới đây, ông Nhân reo lên :

- Hay quá ! Kế hoạch tuyệt vời ! Chắc chắn sau khi biết được chi tiết đó người gác đêm sẽ báo cho đồng bọn biết ngay để đến lục soát trường ngay đêm nay trước
cảnh sát. Và chúng ta chỉ còn chờ chúng đến để tóm cổ chúng.

Nhưng ông Nhân vẫn còn một chút nghi ngờ :

- Chắc không, cháu Đông ?

Anh Đông nắm tay tôi :

- Thưa bác ! Thành công hay không là do em Hương của cháu đây ! Do tài ăn nói của em để người gác đêm tin !

Thế là tôi đã giữ vai trò quyết định trong kế hoạch của anh Đông. Tôi hãnh diện nhận lãnh vai trò đó.



XVI

BÍ MẬT RỒNG VÀNG 


Bà Hùng xen vào :

- Bác Nhân có chắc là các cháu không bị nguy hiểm gì không ?

Ông Nhân cười thuyết phục bà Hùng :

- Chị yên chí ! Các cháu chỉ có nhiệm vụ nhận diện bọn cướp mà thôi, còn tất cả chuyện khác có
cảnh sát lo. Chả có gì đáng ngại cả ! Tôi sẽ ra cảnh sát với các cháu ngay bây giờ !

Ông Nhân bèn dẫn chúng tôi ra ty
cảnh sát. Ông Cò đón tiếp chúng tôi niềm nở. Sau khi nghe rõ câu chuyện, và kế hoạch của anh Đông do ông Nhân kể, ông Cò bắt tay anh Đông :

- Tôi thành thực ngợi khen em !

Rồi ông quay sang ông Nhân :

- Theo tôi ! Anh phải báo cho cha mẹ các em cùng biết !

Ông Cò vừa nói vừa chỉ tôi và anh Đông.

Đâu có được ! Nếu báo cho cha mẹ chúng tôi biết thì nhất định chúng tôi sẽ bị giữ ở nhà và như thế chúng tôi sẽ bị đoạt hết mọi công khó của chúng tôi từ trước đến nay. Chắc anh Đông cũng có ý nghĩ như tôi. Anh nói :

- Không được ! Theo tôi, nếu báo cho nhiều người biết thì chuyện sẽ vỡ lở ra, bọn cướp sẽ hay biết và chúng ta sẽ không thể nào bắt bọn chúng được.

  Ông Nhân gật đầu chấp thuận ý kiến của anh Đông. Ông Cò phải theo ý kiến đa số. Chương trình hành động : Anh Đông ngồi trong xe chỉ huy chung với ông
, ông Nhân ; còn Xu Xu và Quách Tĩnh ngồi xe sau với các nhân viên cảnh sát thừa hành. Tất cả đều chờ trước trường. Và chung quanh trường đều có cảnh sát mai phục. Nhưng tất cả đều tùy thuộc ở tôi. Tôi thành công thì mọi người mới thành công được !

Tối đến, đúng 8 giờ, tôi đến gặp anh Đông nhận chỉ thị lần chót trước khi lên đường thi hành nhiệm vụ. Và mọi người đã chúc tôi can đảm thành công.

Tôi lái xe Honda từ từ đến trường. May quá ! Người gác đêm đang đứng trước cổng trường. Vừa thấy tôi, ông ta có vẻ mừng rỡ :

- À ! Em ! Em đi đâu đó !

Tôi đậu xe cạnh ông ta. Ông ta hỏi :

- Chuyện của em đã đến đâu rồi ? Có gì mới lạ không ?

Tôi đã đóng trò rất khéo. Giả bộ ngây thơ như mọi lần, tôi kể cho người gác đêm nghe các diễn biến sau cùng, nhất là lúc anh Đông bị đánh và bị cướp mất bức ảnh nổi Con Rồng Vàng. Tôi lại còn kể thêm làm thế nào anh Đông chép lại được hàng chữ Tàu nữa và tôi cũng cho biết chính Quách Tĩnh đã dịch ra tiếng Việt hàng chữ này.

Khi tôi cho biết là sáng mai cảnh sát sẽ vào trường lục soát tìm chiếc vòng hột soàn, tôi thấy người gác đêm có vẻ bồn chồn lạ lùng.

Lúc bấy giờ tôi làm bộ biết mình đã lỡ lời :

- Ý quên ! Tôi lỡ thuật cho ông nghe tất cả rồi… xin ông đừng nói với ai hết cả nghe ! Nếu bọn gian biết tối nay chúng sẽ vào trường tìm chiếc vòng hột xoàn trong pho tượng Rồng Vàng trước chúng tôi thì nguy lắm !

Người gác đêm ngó tôi mỉm cười :

- Em khỏi lo ! Hơn nữa tôi canh trường này mà ! Em yên chí ! Ai lén lút vào đây sẽ biết tay tôi !

Tôi lấy vẻ tin tưởng lời nói của hắn ta :

- Cám ơn ông ! Thôi ! Chào ông ! Tôi phải về kẻo má tôi rầy !

Tôi lái xe chạy thẳng. Đi được một khoảng khá xa, tôi quay lại. Chắc chắn người gác đêm đang báo tin cho đồng bọn biết bằng điện thoại. Lưới đã giăng ra hoàn hảo, chỉ còn chờ con mồi !

Vài phút sau. Tôi chạy đến chỗ hẹn báo cáo công tác đã hoàn thành mỹ mãn.

Ông Cò, ông Nhân, anh Đông khen ngợi tôi rối rít. Tôi leo lên xe ngồi cạnh anh. Lúc đó, một giọng khô khan nổi lên qua rađiô :

- Hai ! Một ! Ba ! Có một số kẻ lạ mặt xâm nhập trường ! Đem người đến ngay.

Ông Nhân và ông Cò ra khỏi xe. Ông Nhân nói với chúng tôi :

- Các cháu ngồi yên đây ! Chắc có khó khăn đấy !

Nói xong, ông Nhân liền đi theo ông Cò và hai người mất hút trong bóng đêm.

Anh Đông mở cửa xe. Tôi hỏi :

- Anh đi đâu vậy ? Lệnh đã ban ra bắt buộc mình ngồi yên ở đây !

Anh Đông ngó tôi có vẻ giận :

- Em nói gì vậy, Hương ? Bộ em không biết bao nhiêu công lao trong vụ này là của mình sao ? Mình phải đích thân kết thúc bí mật này thì mới anh hùng chứ !

Tôi nhảy xuống xe theo anh Đông.

Bóng tối tràn ngập.

Anh Đông nói nhanh :

- Mình vào trường ngay ! Ông Nhân và ông Cò chắc đến trước mình không bao lâu đâu !

Như hai con mèo, chúng tôi vào trường không một tiếng động.

Anh Đông thì thầm :

- Có nhiều tiếng động khả nghi, đề phòng !

Nhiều tiếng chân chạy huỳnh huỵch trên tầng lầu một. Một luồng ánh sáng chiếu nhanh ở cầu thang. Nhiều tiếng chân chạy về phía chúng tôi, càng ngày càng nhanh. Lúc đó, nhiều tiếng la lên :

- Bắt lấy chúng ! Bắt lấy chúng !

Anh Đông kéo tôi chận ở cầu thang. Anh nói :

- Đúng là tên Quynh và đồng bọn. Hương ! Mình phải làm một cái gì... trong lúc này.

Tôi không biết phải làm gì nhưng tôi gật đầu chấp thuận.

Lúc đó, chúng tôi thấy nhiều bóng đen hiện ra ở đầu cầu thang.

- Mình phải cố chặn bắt cho được một tên !

Cả bọn cướp nhào về phía chúng tôi. Tôi nghe tên Quynh rống hào hển :

- Lại bọn nhỏ này nữa ! Đập bể mặt chúng cho tao !

Tôi và anh Đông cố chặn bắt chúng. Bọn cướp hỗn loạn. Cảnh sát vừa đến đầu cầu thang, nhưng đã trễ... Nhờ đông, bọn cướp đã thoát khỏi tay chúng tôi, chạy nhanh ra cửa.

Thình lình, tôi thấy chúng như bị dừng lại bởi chạm một bức tường thành. Tôi bấm đèn, tôi thấy rõ ràng cái bóng khổng lồ của Quách Tĩnh ở phía trước bọn cướp. Quách Tĩnh hét lên mừng rỡ, nhào tới thanh toán bọn cướp. Tôi không biết Quách Tĩnh đã dùng võ gì, nhu đạo hay võ Tàu mà chỉ chốc lát, tất cả bọn cướp đều bị nằm dài trên đất. Lúc đó, ánh sáng của một chiếc đèn bấm rực lên. Ông Nhân, ông Cò và trên chục người cảnh sát đang đứng bao quanh đấu trường. Ông Nhân nói :

- Đem còng lại còng chúng ngay, kẻo chúng thoát một lần nữa !

Về sau tôi biết là lúc nãy ông Cò đã lỡ tay gây ra một tiếng động nên bọn cướp hay mới chạy trốn được như vậy.

Ông Nhân quay sang Quách Tĩnh :

- Nếu không có Quách Tĩnh chặn bọn chúng thì bọn chúng đã thoát rồi.

Quách Tĩnh khiêm nhượng :

- Ngộ chỉ là người sau. Anh Đông và chị Hương đây mới là người chận bọn cướp trước.

Khi đã biết rõ chúng tôi có chận bọn cướp ở cầu thang, ông Nhân khen chúng tôi :

- Các cháu giỏi lắm ! Đáng được thưởng huy chương cao nhất trong ngành cảnh sát.

Anh Đông cười :

- Cám ơn bác ! Nhưng phận sự chưa xong mà bác, mình chưa tìm ra Pho tượng Rồng Vàng !

Chúng tôi tìm khắp nơi trong trường nhưng vẫn không thấy pho tượng Rồng Vàng đâu cả.

Trong lúc đang bối rối chưa biết phải làm sao, thì thầy hiệu trưởng Tường bỗng nhiên từ đâu đi sồng sộc vào. Ông la lên giận dữ :

- Đúng là ăn cướp ! May mà có kẻ gọi điện thoại báo tin cho tôi biết !

Ông Cò nói :

- Xin ông Hiệu Trưởng bình tĩnh ! Chúng tôi ở đây là vì phận sự.

Thầy Hiệu trưởng Tường vẫn còn giận :

- Phận sự gì ?

Ông Nhân đáp :

- Chúng tôi sẽ giải thích cho ông rõ... Nhưng bây giờ phải vào phòng ông đã !

Biết từ chối cũng không được, thầy Hiệu trưởng Tường bèn dẫn chúng tôi vào phòng giấy của ông.

Vừa bước chân vào phòng giấy của thầy Tường, tôi bỗng thấy mắt anh Đông sáng rực lên. Anh nói với tôi :

- Hương, em xem kìa !

Trước mắt chúng tôi, trên một kệ sách, một pho tượng Rồng Vàng đang ngạo nghễ !

Anh Đông nhào tới ôm pho tượng. Anh la to mừng rỡ :

- Đúng là pho tượng mình đang tìm đây rồi !

Anh Đông hỏi thầy Hiệu trưởng Tường :

- Thưa thầy ! Xin thầy có thể cho em biết do đâu mà thầy có pho tượng này ?

Thầy Tường có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của anh Đông. Tuy nhiên, thầy vẫn trả lời :

- Pho tượng này đến với tôi hơi đặc biệt. Cách đây mấy tháng một người học trò mang nó lên đây cho tôi. Người học trò ấy nói thấy pho tượng này ở phòng vẽ và đề tên tôi do ông Xu Hào tặng. Vì quí mến ông Xu Hào, tôi đã để đây làm kỷ niệm.

Thầy Tường bỗng trở nên giận dữ nói hơi to tiếng :

- Nhưng tôi muốn biết tại sao mọi người vào trong trường tôi đông như thế này ?


Ông Nhân xen vào:

- Xin ông bớt giận ! Xin ông bình tĩnh nghe chúng tôi phân trần.

- Bớt giận ! Bình tĩnh ! Bớt giận sao được, bình tĩnh sao được, khi cảnh sát vào trường tôi như thế này, khi một đứa học trò cũng dám hỏi vặn kỷ niệm riêng tư của tôi.

Thầy Tường bỗng giựt pho tượng Rồng Vàng đang trong tay anh Đông. Anh Đông giữ lại. Trong cuộc giằng co, pho tượng tuột khỏi tay cả hai người rơi xuống đất vỡ tan tành, mọi người chả ai để ý đến các mảnh vụn của pho tượng Rồng Vàng cả... vì giữa đống mảnh vụn đó những hột xoàn hiện rõ lóng lánh sáng ngời đập vào mắt mọi người.

Chúng tôi đã tìm ra chiếc vòng hột xoàn. Anh em chúng tôi đã thành công.

Tôi và anh Đông nắm tay nhau sung sướng. Xu Xu mừng rỡ cám ơn chúng tôi rối rít. Trong lúc mọi người hân hoan, ông Nhân giải thích rõ ràng câu chuyện cho thầy Hiệu trưởng Tường. Khi đã hiểu chuyện, thầy Tường cười thông cảm và nói không còn giận nữa.

Vài hôm sau, tôi được tin tên Quynh đã thú nhận tội ác, nhất là hắn đã thú nhận gây ra cái chết của ông bà Xu Hào. Chiếc vòng hột xoàn đã được giao cho Quách Tĩnh và Xu Xu sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục thông thường về phương diện pháp lý. Anh em chúng tôi đến tham dự phiên tòa xử tên Quynh và đồng bọn. Tất cả đều đền tội bị án tù khổ sai.

Tuần lễ sau, Quách Tĩnh bán chiếc vòng hột xoàn cho một nhà tỷ phú ở Á Rập và đem tiền về Hương Cảng cho cụ Xú Há, ông của Xu Xu. Tôi và anh Đông trở về cuộc sống học tập hằng ngày.

Anh Đông lại miệt mài trong các cuốn sách và các thí nghiệm khoa học qua đôi kính cận của anh.

Còn tôi, vì bản tính con gái ham văn chương, tôi đã cố gắng viết lại truyện này lấy tựa là Pho Tượng Rồng Vàng đem đăng lên tạp chí Tuổi Hoa hầu cống hiến cho các bạn thích truyện trinh thám một truyện ly kỳ hấp dẫn mà tôi đã đóng vai thám tử cùng với anh Đông, người anh họ thân mến của tôi.

 

Viết xong ngày 22-8-69
HOÀNG ĐĂNG CẤP 
 

--------------------------------------------------------------------
 Chân thành cám ơn bạn Nguyễn Tuấn đã sưu tầm và đánh máy truyện gửi cho Tủ sách Tuổi Hoa (http://tuoihoa.hatnang.com)

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

CHƯƠNG XIII, XIV_PHO TƯỢNG RỒNG VÀNG


XIII

THEO DÕI


Khi vừa về đến đường Hiền Vương, anh Đông chợt quẹo xe ra thẳng Saigon. Ngạc nhiên, tôi hỏi :

- Bộ chưa về nhà sao anh ? Ra Saigon làm chi vậy ?

Anh Đông trả lời :

- Đến Trung Tâm Báo Chí hỏi xem có ký giả nào tên Mã không ?

Đến Trung Tâm Báo Chí, anh em chúng tôi được phép xem tất cả danh sách các ký giả hiện đang hành nghề nhưng chúng tôi chả thấy ai tên là Mã cả.

Thấy vậy anh Đông nói :

- Đúng như anh đoán ! Tên Mã chỉ là giả ! Như thế mình đã đụng một bọn cướp hết sức nguy hiểm ! Mình phải hết sức đề phòng kể từ đây.

Suy nghĩ một lúc, anh Đông nói tiếp :

- 09 ! Mình phải tìm cho ra chiếc vòng hột xoàn với bất cứ giá nào. Sáng mai anh em mình vào xưởng vẽ của trường tìm thử xem. Theo anh biết, ông Xu Hào đã để phần lớn thì giờ làm việc ở đó. Biết đâu...

Xưởng vẽ nhà trường rất rộng và sáng sủa. Cọ, bút chì, ống màu, bột nặn tràn ngập trên các kệ gỗ gắn hai bên tường. Ở đầu phòng có một cái băng dành cho giáo sư và hàng chục giá vẽ rải rác khắp phòng.

Chúng tôi phải để hơn một tuần mới xem xét hết mọi chỗ trong xưởng vẽ đó vì chúng tôi thận trọng sợ mọi người để ý nên chỉ vào tìm tòi trong đó mỗi ngày có vài phút. Nhưng, dù đã cố gắng hết sức mình, chúng tôi cũng chả tìm thấy gì mới lạ cả. Con Rồng Vàng của ông Xu Hào thật là bí mật !

Chúng tôi hơi chán nản, ý định bỏ cuộc bắt đầu xuất hiện trong óc thì...

Như thường lệ, hàng năm nhà trường có tổ chức một hội chợ đồng thời triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của giáo sư và học sinh trong trường. Và chỉ còn vài ngày nữa là hội chợ này khai mạc. Các tầng dưới, nhà trường dùng để trình bày mọi vấn đề linh tinh, còn tầng ba đặc biệt để trình bày các tranh vẽ, các pho tượng... Anh Đông giữ trách nhiệm trông chừng các gian hàng khoa học. Còn tôi giữ vai trò hướng dẫn cho quan khách đến xem hội chợ. Trước công việc dồn dập của ngày quan trọng đó, chúng tôi đã tạm quên nỗi chán nản đang xâm chiếm dần dần tâm hồn chúng tôi. Nhất là đặc biệt năm nay, tạp chí Tuổi Hoa có một gian hàng trong trường do chính các bạn trong Gia đình Tuổi Hoa trông coi và họa sĩ tài hoa Vi Vi có góp phần triển lãm một tác phẩm tuyệt tác của anh về Tuổi Trẻ Yêu Quê Hương.

Ngày khai mạc hội chợ rất long trọng. Người xem ra vô nườm nượp, đông thật là đông.

Đa số các quan khách đều thích phòng triển lãm tượng và tranh ở lầu ba. Dù thật mỏi chân vì phải luôn hướng dẫn người xem lên lầu ba, tôi vẫn không cảm thấy mệt nhọc tí nào. Chiếc áo dài trắng của tôi đã đẫm mồ hôi lúc nào không hay. Thình lình một người mặc áo vét xám đeo một cái kính thật to tiến đến phía tôi nhờ tôi hướng dẫn lên lầu ba xem tranh. Tôi thấy người đó có vẻ quen quen, dường như tôi đã gặp ở đâu rồi, nhưng dù tôi cố nhớ lại mà vẫn không ra. Khi đến lầu ba, người đó đi xem qua một vòng rồi xuống ngay. Trước khi xuống, người ấy rút trong túi ra một bao thuốc lấy thuốc hút. Cái bao thuốc đỏ chói với hiệu Pall Mall nổi lên rõ ràng trước mắt tôi.

- A !

Tôi la lên khe khẽ, ngó sững ngay người đó. Đúng là tên Quynh rồi ! Hay tên Mã nhà phóng viên giả mạo cũng vậy ! Như có linh tính báo, người ấy ngó lại tôi và đi thằng, đi thật nhanh... Tôi vừa tính đi theo thì gia đình tôi từ đâu tràn tới. Các em tôi ríu rít bắt tôi hướng dẫn đi xem. Tôi phải cố gắng thoái thác để đi theo dõi tên Quynh. Tôi biết lúc đó các em tôi giận tôi lắm, nhưng tôi sẽ giải thích cho chúng biết sau. Chỉ một thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ cho tên Quynh có thì giờ tránh khỏi cặp mắt của tôi. Tôi vội chạy xuống tầng trệt đến bàn chỉ dẫn cạnh cửa ra vào hỏi vị giáo sư đang ngồi thường trực ở đó :

- Thưa thầy ! Có phải người mới ra là người mặc áo vét xám, phải không thầy ?

Có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi hơi lạ của tôi, vị giáo sư đó ngó sững tôi rồi gật đầu.

Tôi phóng nhanh ra ngoài như sao xẹt. Nhưng tôi bỗng bị vấp một khúc gỗ, tôi té cái bịch, và chả biết gì hết.

Khi tôi lấy lại bình tĩnh thì thấy có một người đang đỡ tôi. Nhìn lại thì đó là người gác đêm. Tôi nói mê hoảng :

- Tên Quynh ! Tôi phải tìm ra tên Quynh ! Chiếc vòng hột xoàn !

Người gác đêm nói nhỏ nhẹ :

- Bình tĩnh em ! Em chả sao cả đâu ! Tại em chạy nhanh quá mới vấp té như vậy đó ! Chuyện gì vậy em ? Quynh là ai ? Chiếc vòng hột xoàn gì ?

Có lẽ vì quá cảm xúc và nhất là vì bản tính con gái khó giữ bí mật gì trong lòng, tôi quên cả giữ gìn kể lại cho người gác đêm tất cả các chuyện vừa xảy ra, tên Quynh và chiếc vòng hột xoàn. Nhưng tôi đã giấu được chuyện bức ảnh nổi lên Con Rồng Vàng và sự liên quan của anh Đông.

Khi nghe tôi nói xong, người gác đêm cố cười có vẻ hiền từ :

- Trời ! Tại sao em không nói trước ! Tôi canh gác ở đây có thể giúp được lắm. Nhưng coi chừng đó nghe ! Nguy hiểm lắm đó !

Tôi chào người gác đêm trở vô trường. Tôi hơi hối hận và lo lắng vì mình đã lắm mồm nhưng tôi tự an ủi là người gác đêm có lẽ là người tốt chớ không phải người xấu.

Tôi đến gặp anh Đông ở gian hàng khoa học. Trông tôi lúc này hết sức tiêu điều vì cái té vừa rồi. Thấy vậy anh Đông ngạc nhiên hỏi :

- Chuyện gì vậy, Hương ?

Tôi thuật lại cho anh Đông nghe biến cố vừa rồi nhưng tôi giấu không cho anh biết chuyện tôi nói với người gác đêm.

Nghe xong, anh Đông có vẻ sốt ruột :

- Anh biết tên Quynh đó đang tìm đủ mọi cách kể cả giết người cũng được để đoạt cho được chiếc vòng hột xoàn quí giá đó.

- Bây giờ mình làm gì, anh A ?

- Mình phải cố gắng tìm cho được chiếc vòng hột xoàn đó trước tên Quynh. Chiều nay, em đến anh, mình đến nhà Xu Xu.

Chiều đến, chúng tôi đến nhà Xu Xu thì thấy cả nhà đang sửa soạn như có vẻ đi xa. Ngạc nhiên, tôi hỏi bà Hùng :

- Thưa bác. Bác tính đi đâu vậy ?

Bà Hùng trả lời :

- Bác cho Xu Xu đi ra Cấp nghỉ mát hai ngày.

Tôi và anh Đông chạy lên lầu thấy Xu Xu đang sửa soạn. Xu Xu thấy tôi reo lên :

- Chào anh và chị ! Có tin gì mới không ? Tôi sắp sửa phải đi Cấp. Tôi không muốn đi chút nào nhưng ba má nuôi tôi bắt buộc tôi đi.

Anh Đông nói :

- Chưa có gì ! Nhưng chúng tôi đã tìm ra nhiều ánh sáng lắm ! Hy vọng thành công lắm ! Quách Tĩnh sao ? Hết đau chưa ?

Xu Xu trả lời :

- Hết rồi ! Quách Tĩnh cũng đi Cấp với tôi nữa !

Anh Đông nói :

- Tôi muốn Xu Xu cho tôi xem lại bức ảnh nổi Con Rồng Vàng của ba Xu Xu để lại một chút được không ?

Xu Xu đến bàn mở ngăn kéo lấy bức ảnh đó đưa cho anh Đông.

Anh Đông cầm bức ảnh đưa lên đưa xuống xem thiệt kỹ, một lúc sau anh nói :

- Tôi chắc chắn Con Rồng Vàng là chìa khóa để khám phá bí mật, Xu Xu dịch lại cho tôi nghe câu chữ Tàu một lần nữa đi !

- Trong ngôi nhà hiểu biết người ta khám phá bí mật của tất cả mọi việc. Các chữ sẽ biến mất, chỉ có sự thực là còn tồn tại.

Anh Đông có vẻ suy nghĩ dữ dội. Anh nói :

- Xu Xu ! Chúng ta đều chấp nhận ngôi nhà hiểu biết ám chỉ trường. Chúng ta đã tìm khắp nơi trong trường chả thấy gì cả. Như thế trong bức ảnh nổi này, nhất định còn chứa một bí mật khác mà chúng ta chưa tìm ra. Anh cho tôi mượn bức ảnh này về nhà khảo sát trong khi anh đi Vũng Tàu, được không ? 


Lúc đó Quách Tĩnh ở phòng bên vừa chạy qua. Xu Xu ngó Quách Tĩnh. Quách Tĩnh nói :

- Để ngộ xem quẻ đã !

Như lần trước, Quách Tĩnh lấy ra hai đồng xu. Quách Tĩnh lim dim khấn vái, rồi bỏ hai đồng xu xuống chén. Một lúc sau, Quách Tĩnh mở mắt ngó anh em chúng tôi nói :

- Quẻ đã cho các nị mượn bức ảnh đó ! Các nị hãy đem về xem nhưng...

Quách Tĩnh ngập ngừng.

Tôi hỏi :

- Nhưng sao hả Quách Tĩnh ?

Quách Tĩnh nói chậm rãi, giọng chắc nịch :

- Các nị hãy hành động thật mau... và coi chừng nguy hiểm lắm ! Rất nguy hiểm ! Nguy hiểm !

Quách Tĩnh nhấn mạnh mấy lần hai chữ nguy hiểm. Tôi thấy ớn lạnh cả xương sống.



XIV

CÁI KÍNH LỌC MÀU 

 

Ra đến đường cái, tôi hỏi anh Đông :

- Bây giờ mình làm gì hả anh ?

Anh Đông mỉm cười :

- Về nhà ! Sáng mai em đến gặp anh ở phòng thí nghiệm.

Nhớ đến bức ảnh nổi mà Xu Xu và Quách Tĩnh vừa cho mượn tôi lại hỏi :

- Thế còn bức ảnh nổi ! Anh phải xem chứ !

- Phải ! Đêm nay anh thử nghiên cứu xem sao ...

Tôi biết anh Đông bao giờ cũng bí mật đến phút chót nên tôi không hỏi nữa. Trước khi chia tay tôi dặn anh Đông :

- Nếu anh có khám phá được điều gì mới anh nhớ điện thoại cho em hay nhé !

Anh Đông khẽ gật đầu.

Tối hôm đó, tôi mộng thấy toàn rồng, thỏ và chuỗi hạt ngọc. Sáng dậy, tuy mệt nhoài, tôi cũng cố gắng xin phép ba má tôi đến nhà anh Đông. Tôi thấy anh đang ngồi ở bàn làm việc mắt ngó đăm đăm vào bức ảnh nổi. Nhìn cặp mắt của anh tôi biết đêm qua anh không ngủ và anh đã đấu vật với bí mật của bức ảnh này. Thấy tôi anh chỉ lúc lắc đầu và không nói gì hết. Anh đang suy nghĩ dữ dội, cạnh anh, có một lô kính lọc đủ màu sắc. Tôi cầm một cái màu đỏ lên xem. Thình lình, anh Đông thở dài và nói với vẻ hết sức chán nản :

- Anh chả tìm thấy gì cả ! Anh dùng cả kính hiển vi cũng thất bại luôn.

Ngạc nhiên, tôi hỏi :

- Anh dùng kính hiển vi làm chi vậy ?

- Bộ em không biết vi điểm sao ?

- Vi điểm ! Cái đó là gì vậy anh ?

- Hiện nay, tất cả các tổ chức bí mật đều dùng vi điểm. Khi có một điều gì bí mật, bản đồ hay mật lệnh chẳng hạn, họ bèn dùng một kỹ thuật chụp hình tinh vi chụp các bản đồ hay mật lệnh đó và biến chúng thành bé tí ti, chỉ to hơn đầu mũi kim một chút. Anh nghi ông Xu Hào đã nói một điều gì bí mật trong một vi điểm trên bức ảnh này nhưng dù anh đã dùng kính hiển vi, anh cũng chả thấy vi điểm nào cả ! Chả thấy gì hết !

Thấy anh Đông có vẻ chán nản tột độ, tôi an ủi anh :

- Mình đã làm hết cách rồi ! Nhân vô thập toàn mà anh ! Tại sao mình không bỏ cuộc cho rồi ! Đâu có ai cười mình !

Anh Đông quắc mắt nhìn tôi :

- Hương ! Tại sao em kém nghị lực thế ? Việc càng khó thì mình lại càng phải cố gắng chứ ! Như thế thì thành công mới vinh quang chớ ! Hơn nữa nếu bỏ cuộc thì ăn nói với Xu Xu làm sao bây giờ ?

Lúc đó thình lình tôi bỏ cái kính lọc màu đỏ rơi xuống bức ảnh nổi. Cái kính nằm trên thân con Rồng. Tôi la lên :

- Anh Đông ! Anh xem này ! Thật là lạ ! Dưới lớp kính, tất cả các chỗ nổi đỏ và vàng trên thân con rồng đều biến mất, chỉ còn lại các vết xanh đậm và xanh lợt. Nhưng các vết này đã sắp xếp nhau thành hai hàng chữ Tàu.

Anh Đông mừng rỡ nhảy như con choi choi chung quanh phòng.

- Hay quá ! Mình đã khám phá ra bí mật ! Em giỏi lắm ! Anh khen đó Hương !

Tôi làm bộ bình tĩnh :

- Có gì mà anh khen !

Tuy nhiên, tôi muốn cho anh Đông thấy rõ đó là do tài riêng của tôi chứ không phải do tình cờ.

Ông Xu Hào là một họa sĩ. Nhất định ông rất rành về nghệ thuật sử dụng màu. Do đó, ông đã dùng màu để ghi điều bí mật của mình vì sợ người lạ xem được. Bí mật con Rồng Vàng nằm trong hàng chữ Tàu đó ! Anh Đông chép ngay hàng chữ Tàu đó vào cuốn sổ tay của anh. Anh không biết chữ Tàu, anh chỉ biết vẽ lại y hệt từng nét chữ nổi qua cái kính lọc màu.

Tôi hỏi :

- Làm sao mình đọc được hàng chữ này hả anh ? Xu Xu, Quách Tĩnh đi Vũng Tàu rồi !

Anh Đông có vẻ suy nghĩ :

- Rồi anh đến tòa báo Tuổi Hoa hỏi anh Quyên Di. Anh Quyên Di giỏi chữ Hán lắm. Bây giờ em về đi, chiều ba giờ lại đây gặp anh. Anh đi một mình đến tòa soạn Tuổi Hoa cũng được.

Tuân lệnh anh Đông, tôi xuống lầu ra về. Khi về gần đến nhà, tôi gặp người gác đêm đang đứng trước một tiệm sửa xe Honda. Tôi phải gật đầu chào. Người ấy hỏi tôi :

- Em có gặp lại kẻ gian đó không ?

Bản tính con gái nhẹ dạ, tôi đáp ngay không suy nghĩ và dè dặt gì hết.

- Không ! Nhưng tôi sẽ tìm ra chuỗi ngọc...

Tôi bèn thuật cho người gác đêm nghe khám phá của anh em chúng tôi trên bức ảnh nổi con Rồng Vàng. Người gác đêm nghe tôi nói với vẻ hết sức khâm phục. Hứng chí, tôi bèn nói thêm là anh Đông của tôi đang đến tòa báo Tuổi Hoa nhờ anh Quyên Di đọc hàng chữ Tàu. Tôi vừa nói xong người gác đêm khen ngợi rối rít.

- Các em đúng là những thám tử tài ba ! Thật đáng phục ! Cảnh sát còn thua !

Nhưng, sau câu nói đó, người gác đêm bỏ đi thẳng... Tôi thấy người thợ chữa xe chạy ra :

- Ông ! Xe ông xong rồi ! Ông lấy xe đi chứ !

Người gác đêm nói lại :

- Chiều nay lúc 7 giờ tôi sẽ lại lấy !

Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ kỳ lạ của người gác đêm.

Chiều nay tôi lại nhà anh Đông rất đúng hẹn. Nhưng…

Anh Đông tiếp tôi với cái mặt sưng vù. Anh đã bị ai đánh !

Tôi la lên :

- Việc gì xảy ra vậy anh ? Ai đánh anh vậy ?

Anh Đông đáp :

- Anh đã bị bọn gian đánh ? Chúng đã giựt mất bức ảnh nổi Con Rồng Vàng rồi !

Thấy tôi trố mắt nhìn, anh Đông giải thích tiếp :

- Khi anh vừa đến đường Nguyễn Thông thì bị 3 đứa mình thấy ở khách sạn bữa nọ chận lại. Một đứa thoi anh ngã sấp xuống. Một đứa giựt cái cặp sách anh đang xách ở tay và phóng lên chiếc xe Toyota màu xanh chạy thẳng. Thiệt là bất ngờ, anh trở tay không kịp.

- Anh để bức ảnh nổi và tờ giấy có hàng chữ Tàu trong cặp đó ?

- Phải !

- Nhưng... tại sao bọn đó lại biết anh mang bức ảnh nổi và nhứt là biết anh đến
tòa soạn Tuổi Hoa?

Anh Đông có vẻ trầm ngâm trước câu hỏi của tôi :

- Anh cũng đã tự hỏi như thế. Chỉ có anh và em là biết chuyện này, tại sao bọn chúng lại biết được ?

Anh Đông dòm thẳng vào mắt tôi.

Tôi nói :

- Em chỉ có nói cho một người biết thôi, nhưng em tin người ấy không có liên lạc với bọn gian !

- Ai ?

- Người gác đêm !

- Người gác đêm ?

Tôi bèn thuật lại cho anh Đông nghe lúc tôi gặp người gác đêm ở trước cửa một nhà chữa xe Honda.

Anh Đông nói một mình :

- Đúng rồi... Người gác đêm là nội tuyến của bọn gian trong trường !

Anh quay sang tôi :

- Em đã nói với anh hôm triển lãm ở trường em đã bị té bất ngờ và được người gác đêm đỡ dậy phải không ? Biết đâu em đã bị hắn ta bất thình lình khèo chân cho té. Có lẽ cũng chính hắn ta đã báo cho bọn gian biết những điều em nói ! Và do đó, bọn gian đã mai phục tấn công anh bất ngờ.

Tôi nói như mếu :

- Lỗi tại em ! Em ngu quá !

Thấy tôi hối hận, anh Đông nói dịu dàng :

- Thôi em ! Ai mà chẳng lỡ lầm ! Thua keo này mình bày keo khác !

Tôi vẫn còn tức vì cái ngu của mình :

- Tại em nên mình đã thất bại... Bọn gian bây giờ chỉ cần đọc được câu chữ Tàu đó là tìm ra được chuỗi ngọc quý giá của gia đình Xu Xu.

Anh Đông cười :

- Đâu có dễ, em ! Bộ mình ngồi yên cho chúng tự do hành động hả ?

Tuy cố nói cứng để an ủi tôi, anh Đông vẫn có vẻ bối rối lo âu dữ.

Anh Đông bèn xuống nhà gọi điện thoại đến khách sạn hỏi thăm người tên Quynh còn ở đó không? Người trực ở khách sạn trả lời là người đó đã đi từ mấy ngày nay rồi.

Anh Đông nhăn trán suy nghĩ. Anh hỏi tôi :

- Sáng nay em nghe là người gác đêm nói đến tối sẽ đến lấy xe phải không ?

- Phải.

- Tiệm đó ở đâu ?

- Phan Đình phùng ! Gần chợ Vườn Chuối.

- Chiếc xe ấy có gì đặc biệt ? Số mấy ?

- Màu đỏ… Số SZ 1027837.

- Vậy ! Tối nay gặp anh lúc 8 giờ. Mình sẽ thi hành một nhiệm vụ nguy hiểm.

Tôi tuân lịnh anh nên không dám hỏi thêm chi tiết khác vì tôi biết anh không còn tin tưởng tôi như trước sau vụ bại lộ vừa rồi.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XV, XVI



Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

CHƯƠNG XI, XII_PHO TƯỢNG RỒNG VÀNG


XI

MAI PHỤC 

 

Chúng tôi bèn kéo qua phòng Xu Xu họp hội nghị tìm phương pháp tìm chiếc vòng hột xoàn và chống lại bọn cướp. Anh Đông điều khiển hội nghị.

Anh nói thao thao bất tuyệt :

- Chúng ta phải hành động nhanh để bắt bọn cướp quả tang. Như chúng ta đã biết, bọn cướp luôn rình mò và theo dõi Quách Tĩnh, vì thế chúng ta tương kế tựu kế gài bẫy bọn chúng.

Tối nay, Quách Tĩnh hãy vào tìm tòi trong trường như thường lệ. Nhưng lần này, Quách Tĩnh mang theo một vòng hột xoàn giả. Khi ra khỏi trường, Quách Tĩnh sẽ dụ bọn cướp đến ổ mai phục của chúng tôi ở góc đường cạnh nghĩa địa. Khi Quách Tĩnh đến đó, Quách Tĩnh hãy đưa cho chúng tôi xem chiếc vòng hột xoàn giả đó. Quách Tĩnh phải cần làm sao cho ánh sáng lóng lánh để bọn cướp thấy. Nhất định lúc đó bọn cướp sẽ tiến tới tấn công và giựt kho tàng đó, lúc bấy giờ Quách Tĩnh sẽ dùng sức mạnh sẵn có của mình chế ngự bọn cướp và như thế chúng ta sẽ tìm ra thủ phạm.

Khi anh Đông vừa nói xong, một tràng pháo tay nổi lên vang dội. Tất cả mọi người đều hoan nghênh mưu kế thần tình của anh Đông.

- Hoan hô anh Đông !

Anh Đông mỉm cười khiêm nhượng :

- Cám ơn ! Chúng ta hãy xem kỹ giờ cho ăn khớp nếu không sẽ hỏng cả. Đêm nay, Quách Tĩnh nhớ là chúng ta sẽ gặp nhau lúc 9 giờ rưỡi đúng. Quách Tĩnh chỉ ở trong trường một lúc rồi làm bộ đi ra có vẻ mừng rỡ hối hả như đã tìm ra điều gì hết sức quan trọng.

Quách Tĩnh :

- Ngộ hiểu lắm ! Anh Đông yên trí !

Chợt nghĩ đến người gác đêm, tôi hỏi :

- Còn người gác đêm, anh ! Em sợ người gác đêm thấy Quách Tĩnh thì kế hoạch mình sẽ hỏng cả.

Anh Đông nói với tôi giọng hết sức tin tưởng :

- Em đừng lo ! Từ trước, Quách Tĩnh đã tránh được thì bây giờ cũng vậy !

Tối đến, tôi, anh Đông và Xu Xu đi đến chỗ hẹn. Tôi sốt ruột lo lắng, Xu Xu cũng vậy. Chỉ có anh Đông bình tĩnh lạ thường. Anh ngó đồng hồ. Anh nói to :

- Kìa ! Quách Tĩnh kìa !

Một bóng đen to lớn đang tiến về phía chúng tôi.

Anh Đông ra lệnh :

- Chúng ta bao quanh Quách Tĩnh nhanh ! Em Hương và Xu Xu nhớ là Quách Tĩnh đang nóng lòng báo cho chúng ta biết điều khám phá của mình.

Chúng tôi đứng chung quanh Quách Tĩnh.

Anh Đông nói thầm :

- Quách Tĩnh có thấy bọn cướp không ?

- Có ! Bọn chúng đang theo ngộ ở sau. Nhất định chúng đang nghi ngờ ngộ đã tìm ra hột xoàn.

A liếc ra đường.

- Tốt ! Chúng ta hy vọng thành công rồi !

Quách Tĩnh nói :

- Chúng đi bằng xe hơi. Xe hơi chúng tắt đèn.

Tôi chả cần phải dòm đâu nữa : tiếng động cơ xe hơi đã nổ rất gần. Bọn cướp đã đến !

Anh Đông nói quyết liệt :

- Bình tĩnh !

Rồi anh quay sang Quách Tĩnh :

- Quách Tĩnh ! Anh đem chiếc vòng hột xoàn ra !

Quách Tĩnh rút chiếc vòng hột xoàn trong túi ra rồi làm bộ đánh rơi xuống đất. Quách Tĩnh cúi xuống nhặt với vẻ hết sức run.

Bọn cướp đã thấy rô ràng.

Anh Đông ra lệnh :

- Rồi ! Quách Tĩnh bỏ chiếc vòng vào túi ngay đi !

Quách Tĩnh bèn quay lưng đi được vài bước thì chạm chiếc xe hơi bọn cướp. Thấy vậy, Quách Tĩnh phóng nhanh, chiếc xe hơi bèn quay nửa vòng rượt theo. Chỉ vài giây, chiếc xe hơi vượt qua Quách Tĩnh và chận Quách Tĩnh lại. Chúng tôi thấy nhiều bóng đen nhào xuống bao vây Quách Tĩnh.

Nhưng Quách Tĩnh đã tả xung hữu đột chống lại bọn cướp. Đôi tay, đôi chân Quách Tĩnh hoạt động dữ dội. Bọn cướp có vẻ núng thế. Thình lình, một tên cướp tránh khỏi vòng chiến chạy về xe hơi lấy ra một cái gậy khá to. Nó lừa Quách Tĩnh không để ý nện vào đầu Quách Tĩnh một cú như trời giáng. Quách Tĩnh đau quá ngã khuỵu xuống đất.

Thấy vậy, Xu Xu rống lên :

- Phải cứu Quách Tĩnh mau !

Chúng tôi nhào tới. Chúng tôi chiến đấu thật hăng. Xu Xu đã dùng võ nhu đạo chế ngự được một tên cướp. Nhưng Xu Xu phải bỏ tên đó phóng tới giơ chân đá tên thứ hai cứu tôi thoát khỏi một cây gậy của một tên cướp khác. Ngoài nhu đạo Xu Xu còn biết cả võ Tàu. Anh Đông cũng không kém Xu Xu. Anh đấu với tên to nhất trong bọn. Một hồi, thấy tình thế nguy hiểm, bọn cướp ra dấu hè nhau phóng lên xe tẩu thoát.

Vì lo sợ tính mạng Quách Tĩnh, chúng tôi không rượt theo, lo đỡ Quách Tĩnh dậy. Quách Tĩnh rên khe khẽ.

Anh Đông thất vọng :

- Chúng ta đã thất bại ! Bao công phu đã tan ra mây khói !

Sáng hôm sau, trên đường đi học, chúng tôi ghé qua đấu trường đêm qua coi lại xem may ra tìm được vết tích gì của bọn cướp chăng !

Tôi chán nản không tin tưởng gì hết. Nhưng, sau khi quan sát khắp nơi, anh Đông gọi tôi :

- Nè ! Hương !

Tôi chạy lại. Anh Đông cầm một mảnh giấy nát nghếu nhưng mấy chữ vẫn còn nổi rõ : khách sạn Thân Tình.

Anh Đông hỏi :

- Em có biết khách sạn này ở đâu không ?

Tôi đáp ngay :

- Ở xa lộ Biên Hòa, cạnh suối Rù Rì.

Anh Đông cười :

- Giỏi ! Con gái có khác ! Cái gì cũng biết cả !

Anh Đông đâu có biết tôi biết khách sạn Thân Tình là nhờ tôi đã được theo đoàn hướng đạo của tôi lên suối Rù Rì
cắm trại mấy lần.

Tuy nhiên tôi vẫn hãnh diện :

- Chứ sao !

Anh Đông có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Một lúc sau anh nói :

- Chiều nay, anh và em đến khách sạn Thân Tình dò xét thử xem sao !



XII

KHÁCH SẠN THÂN TÌNH 

 

Chiều đến, để dễ dàng hành động, tôi và anh Đông đi chung chiếc xe Suzuki của anh. Anh chở tôi. Đường xa lộ rất dễ đi nhưng nhớ lại tai nạn của ông bà Xu Hào và nhìn các chiếc xe hơi khổng lồ đang phi vun vút trên đường, tôi hoảng sợ la anh hoài bắt anh phải đi chầm chậm. Tuy thế, anh vẫn phóng xe trên 40 cây số một giờ. Chả mấy chốc, chúng tôi vượt qua ngã tư xa lộ Thủ Đức và thấy ngay khách sạn to lớn Thân Tình lừng lững trước mặt. Cẩn thận, anh Đông gởi xe ở một cái quán bên kia đường. Chúng tôi đi bộ vào khách sạn.

Vừa vào đến sân khách sạn, chúng tôi thấy có mấy chiếc xe hơi đậu rải rác, đặc biệt có một chiếc xe màu xanh trông quen quen.


- Em có đem theo giấy bán báo dài hạn của tạp chí Tuổi Hoa không ?

Giấy này lúc nào mà tôi chả mang theo. Nghe anh hỏi, tôi gật đầu.

Anh nói :

- Anh em mình vào văn phòng khách sạn. Em làm bộ mời nhân viên mua báo dài hạn, trong khi đó anh lén xem danh sách các người hiện ngụ trong khách sạn. Làm như thế để lở nếu có quân gian thì chúng khỏi nghi ngờ.

Anh Đông lúc nào cũng đa mưu ! Hai anh em tôi mạnh dạn bước vào văn phòng khách sạn. Tôi tiến đến quầy trong khi anh Đông lảng vảng chỗ để danh sách. Ngồi sau quầy là một lão già có râu cá chốt thấy phát ghét. Lão ngó tôi đăm đăm. Tôi chưa kịp nói gì hết, lão đã hỏi :

- Cô bé hỏi gì đó ?

Tôi bèn trổ tài trình bày cho lão nghe nội dung và hình thức tờ Tuổi Hoa, một tờ báo chuyên viết cho tuổi học trò, rồi tôi mời lão mua dài hạn tạp chí đó.

Lão chăm chú nghe tôi nói. Sau khi nghe đến lời cuối cùng mời lão mua dài hạn, lão nhếch mép cười khinh bỉ :

- Cô bé đi đi ! Ở đây là khách sạn, chả có báo bổ gì hết !

Tôi phải đi ra ngoài. Lúc đó anh Đông cũng vừa ra. Tôi hỏi anh :

- Anh có thấy cái gì không anh ?

Anh nhìn tôi khẽ gật đầu nhưng không nói gì hết. Anh dẫn tôi qua quán chỗ gởi xe ngồi uống nước. Ở vị trí đó, chúng tôi có thể thấy rõ cả mặt tiền khách sạn. Anh nói nhỏ vừa đủ tôi nghe :

- Anh có thấy tên Quynh hiện ở phòng 13. Tên Quynh làm anh liên tưởng đến tên Huynh hay Huyên mà bà Hùng nói với phóng viên Mã bữa nọ.

Tôi hỏi :

- Phòng đó ở đâu anh ? Dưới đất hay trên lầu ?

Anh Đông lấy tay chỉ qua khách sạn :

- Ở dưới đất ! Chỗ cái xe hơi xanh đó !

Thình lình, anh Đông la lên :

- Hương ! Em xem kìa !

Chiếc xe Toyota từ từ tiến vào khách sạn. Người tài xế chính là người mang kính đen ám ảnh chúng tôi từ lâu nay. Người tài xế ấy lái xe chầm chậm đến ngừng ngay sau chiếc xe hơi xanh.

Anh Đông sung sướng ra mặt :

- Đúng như anh đoán ! Phòng số 13 là sào huyệt bọn cướp.

Anh vừa nói xong, tôi thấy trên xe Toyota bước xuống ba người. Họ gõ cửa phòng 13. Cửa phòng mở. Họ vào. Cửa phòng đóng lại. Tôi còn thấy cái màn treo ở cửa sổ phòng từ từ khép kín lại.

Anh Đông nói nhanh :

- Hương ! Thế là mình thành công ! Anh tin rằng bọn gian đang bàn bạc trong đó. Đây là cơ hội bằng vàng lột mặt nạ bọn sát nhân.

Chúng tôi bèn chạy qua đường, bọc ngõ sau khách sạn. Sau khách sạn là một con đường nhỏ cây cối um tùm. Anh Đông đếm từng phòng một. Đến phòng số 13, anh ngừng lại quan sát. Cạnh đó, có một cây cổ thụ to lớn. Thật là một địa lợi hết sức quí. Đứng sát cạnh cửa sổ sau cửa phòng 13, chúng tôi có thể nghe lén được người trong phòng nói chuyện. Nhưng khi lùi lại núp vào cây cổ thụ, chúng tôi có thể tránh khỏi bị lộ diện đồng thời có thể thấy hoạt động phía trước sân khách sạn nhờ một hành lang bên trái.

Anh Đông rút sổ tay ra ghi lia lịa.

Một người nói giọng có vẻ giận :

- Tụi bây tệ quá ! Bị Quách Tĩnh và mấy đứa nhỏ lừa tráo chiếc vòng hột xoàn giả.

Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy giọng hơi quen quen.

Một người trả lời, đúng là giọng khàn khàn của người mang kính đen :

- Phê bình thì dễ lắm, Quynh à ! Tại sao cách đây mấy tháng mầy cũng thất bại như tụi tao vậy ?

- Luân ! Mày nên nhớ kỳ đó đâu phải lỗi tại tao ? Tại xui mà ! Tao đã theo dõi nó sát, tính áp bắt nó dừng xe đâu ngờ nó mất trớn nhào luôn xuống hố sâu chết không kịp trối !

- Tụi bây cãi nhau chi vô ích vậy ? Mất thì giờ quá rồi ! Mình phải làm sao chứ ?

Một giọng chua như dấm nổi lên :

- Dù sao việc đã qua rồi, bỏ đi ! Nhắc lại chả có ích gì hết ! Bây giờ mình phải tìm cách làm sao lấy được chiếc vòng hột xoàn quí giá đó ! Tao thấy Quách Tĩnh và bọn nhỏ cũng khôn lắm, đừng khinh thường chúng nó.

Một giọng khác lại nổi lên, đúng là giọng tên Quynh :

- Tao tin chiếc vòng đó còn ở trong trường. Vì thế Quách Tĩnh ra vô đó hoài. Tụi bây dễ hoạt động hơn tao, tụi bây hãy lo cho xong vụ này !

Anh Đông ngó tôi hãnh diện, anh đã khám phá ra bọn cướp. Nhưng lúc đó, một việc xảy ra hết sức bất ngờ làm chúng tôi hết hồn, chút xíu bị bại lộ, nguy hiểm hết sức !

Một con mèo to lớn từ đâu bỗng phóng ào vào mặt tôi. Hoảng hốt tôi tính la lên nhưng cố dằn được. Vì quá bất ngờ, tay tôi đã cào cửa sổ một cái rột. Liền lúc đó, nhiều tiếng chân chạy dồn dập về phía cửa sổ. Tôi và anh Đông ba chân bốn cẳng phóng nhanh núp vào cây cổ thụ. Con mèo vẫn còn đứng đó ngó bọn gian kêu : Meo ! Meo ! Thấy mèo, bọn gian cười nắc nẻ rồi đóng cửa sổ lại. Trước khi đóng, một tên quăng một tàn thuốc xuống đất. Anh Đông lượm lên, thấy hiệu Pallmall.

Lúc đó, chúng tôi nghe giọng nói của tên Quynh nổi lên :

- Bây giờ tao phải đi Saigon có chút việc ! Thôi mình ra ngoài !

Chúng tôi nghe có những bước chân tiến về phía cửa. Chúng tôi vội chạy về cây cổ thụ để xem bọn chúng làm gì ở sân khách sạn.

Tôi thấy trước tiên tên Luân người mang kính đen. Kế đó tên nhỏ con ốm nhách đã rình rập nhà Xu Xu theo sau tên Luân. Tới chiếc xe Toyota, tên Luân quay lại nói gì một hồi. Chúng tôi thấy tên nhỏ con lên ngồi kế tên Luân. Còn tên thứ ba khá to con lên ngồi ở băng sau. Chiếc xe rồ máy lướt ra xa lộ chạy thẳng. Chỉ còn chiếc xe xanh, chưa có người lái. Chúng tôi đoán thế nào tên Quynh cũng lên xe đó. Một lúc sau chúng tôi thấy một người tiến về phía xe đó. Chúng tôi trố mắt nhìn. Ô kìa ! Ông phóng viên Mã, người đã phỏng vấn Xu Xu và bà Hùng về tai nạn của ông bà Xu Hào. Ông phóng viên Mã leo lên xe rồ máy chạy.

Thấy vậy, tôi nói với anh Đông :

- Hèn chi ! Lúc nãy em thấy chiếc xe hơi đó hơi quen. Đúng là chiếc xe ông phóng viên Mã lái đến nhà Xu Xu bữa nọ.

Anh Đông gật đầu :

- Anh cũng nhận thấy như vậy ! Nhưng ông Mã làm gì ở đây vậy ?

Tôi hỏi :

- Còn tên Quynh đi đằng nào, không thấy ra ?

Chúng tôi chạy lại cửa sổ. Anh Đông nhướng chân dòm vào phòng qua kẽ hở. Phòng trống trơn. Tên Quynh đã thoát khỏi chúng tôi, tên Quynh biến mất tự bao giờ.

Ngần ngừ chốc lát, chúng tôi đành phải lái xe trở về. Nhà phóng viên Mã làm gì ở khách sạn này ? Tên Quynh là ai ? Tại sao tên đó lại nói với các tòng phạm câu : Tụi bây dễ hành động hơn tao ! Chúng tôi chưa tìm được câu trả lời các thắc mắc đó.

______________________________________________________________________
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>