Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Nền Trung Thu Ngày Nay


Cứ theo sách vở thì tết Trung thu còn gọi là tết nhi đồng ở một sự phịa của người Đường Minh Hoàng. Người phịa rằng: Vào một đêm trăng trong gió mát, ao thu lạnh lẽo nước trong veo người được một vị tiên mời lên Apollo cầu vồng đi thăm Trăng. Lúc trở về người còn thuổng được một vũ khúc nhãn hiệu là Nghê Thường.

Cái sự phịa không tiền khoáng hậu này đã được mọi người vờ vĩnh ra cái điều có thực và chính cống bà lang trọc nên hàng năm có bầy ra đại lễ kỷ niệm gọi là lễ Trông trăng. Thế là tết Trung thu ra đời. Cứ vào ngày 15-8 thiên hạ lại kéo nhau ra, ngửa mặt lên trời nhìn trăng cứ như đười ươi giữ ống. Sự trông trăng này kéo dài cho tới khi trăng khuất non ngàn là a lê vào giường nằm co chờ sáng, không có cái màn lỉnh kỉnh huê rạng chư bi giờ. Ôi nếu con cháu cứ giữ cái sự trông trăng chay tịnh thật lực như thế thì khỏe khoắn biết mấy, đằng này lại bầy vẽ ra nào là phải có bánh dẻo, bánh nướng, đèn giấy, múa lân cơ. Nếu không có thì kể như kém văn minh, lạc hậu! Nhiêu khê thật! Rắc rối thật.

Nguyên cái khoản bánh Trung thu cũng đã đưa bàn dân thiên hạ đến chỗ điêu đứng hấp hối về: Tiền tài và sinh mạng. Nhất là từ ngày các đấng nhi đồng được người nhớn chiếu cố sang đứt cho cái tết Trung thu không đòi một khoản bồi thường thiệt hại nào cả thì con số búp bê suýt tiêu điều miền cực lạc quả có hơi cao. Bởi lẽ nền bánh Trung thu do các vị người giao chỉ gốc Mã Viện sáng tác rất ư là kinh khủng, sau nữa là vì các búp bê ăn uống kỹ quá nên fost jestum pestum diễn nôm là: "Sau ngày tết Trung thu, Tào Tháo đuổi". Nếu có dịp làm một pha thanh tra các xưởng nhớn nhỏ chế bánh Trung thu thì có lẽ các đấng bảo vệ nhi đồng phải hồn phách ngất ngư con tầu đi.


Bánh Trung thu mà bàn dân thiên hạ được ẩm thực vào đêm rằm lúc bóng trăng đã xế tà sau khi đã nghe dăm bẩy bài diễn văn, rước đèn vài cây số và hoan hô vỗ tay sướt cò bợ ra là cái bánh đã được chế ra cách đó chừng 4 tháng trước. Bởi rằng thì là đại xưởng nào cũng muốn tung bánh ra thị trường trước để rước mối, hóa cho nên cái sự điều chế nó mới sớm sủa kỹ như vậy. Bánh chế ra rất là vệ sinh. Có cả viện Pasteur phân chất kia đấy ; nhãn hiệu cũng đã được cầu chứng tại tòa, kẻ nào mà giả mạo cầm nhầm là cứ vác chiếu ra ba tòa quan nhớn, cái gương bánh bao bác Cả Cần còn rành rành ra đấy, coi chừng! Nếu thầy Lang Pát-Tưa có gặp cái bánh Trung thu phân chất rồi cũng phải sống lại mà khóc thét rồi mới chết nữa được. Bởi lẽ vì cái bánh đem phân chất ấy chỉ có tính cách trình diễn, còn bao nhiêu thì làm bằng cái gì có thánh biết. Chỉ biết rằng: Bàn dân thiên hạ đừng có tin vào cái nền quảng cáo của cái xứ này mà có ngày đi tầu suốt. Bánh đậu xanh ngon lắm! Sức mấy, khoai lang đấy. Đậu xanh đào đâu ra mà làm, đừng tưởng bở. Thập cẩm hột gà? Ôi sao mà quí hóa thế? Nào mè, nào hạt dưa, nào lạp xưởng, nào hạt sen, nào quế, nào đủ thứ... thập cẩm. Ngon lắm, xơi vào là bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ. Bổ hơn cao hổ cốt, sâm nhung nữa đấy, nhưng bổ rồi thì lên luôn con tầu suốt không có ngày về thưởng trăng. Bởi lẽ cái chất ngọt và béo ngậy ấy được các nhà bào chế rút ra từ đường hóa học và bầy heo tịch đã được lệnh các vị thú y tức lang gia súc bắt chôn từ khuya, nay được moi lên. Mỡ heo tịch làm bánh ai biết. Thịt nạc làm lạp xưởng, xương nấu tàu vị yểu da làm bóng phơi khô, bán dần. Vẽ vời chôn với cất mất công phí của! Thời buổi này mà phí phạm là có tội đấy! Nếu nhân dân được phép tham quan xin lỗi các đấng thuổng nhờ tí nhé các xưởng chế bánh Trung thu tất hồn phách phải mất thăng bằng, có khi còn tiêu diêu nơi cõi thọ là đằng khác. Bánh nướng nhân khoai tục gọi là bánh đậu xanh chế rất tinh vi hợp vệ sinh lắm. Khoai lang luộc tán nhỏ trộn đường hóa học thêm chút dầu chuối là thành bánh đậu xanh vốn liếng là mấy! Bánh thập cẩm lại càng rùng rợn hơn. Mỗi "cẩm" một chậu, tay đuổi ruồi tay trộn nhân. Ngứa đâu gãi đấy, khuất mắt ai coi! Ôi bàn tay năm ngón của miêu duệ Sầm Nghi Đống thì hết chỗ chê!

Quí vị ăn chay niệm Phật hả? Được ngay, quí vị cũng có bánh chay trăm phần trăm. Mô Phật sao mà phúc đức thế! Xin tam bảo phù trì nền bánh Trung Thu đất nước này. Thế nhưng, kính thưa chư Phật tử, làm gì có dầu, có đậu, quí vị đang được thưởng thức mỡ heo và đường hóa học đấy.

Đại khái thì nền bánh Trung thu của ta là như vậy đấy, thế mà thiên hạ cứ xếp hàng một mà mua như chờ phát chẩn không bằng, lại còn rủ nhau: một hai ba chúng ta mua bánh cả làng!

Ngoài khoản bánh, người ta phải kể đến vụ nhộn nhịp, cờ xí, trống phách, chũm chọe ngậu xị họ lên đó là Múa Lân, có nơi còn gọi là múa sư tử chả biết ai đúng. Nhưng có điều đã gọi là tết nhi đồng thì mọi chuyện cứ để cho nhi đồng vui vẻ, đằng này người lớn bầy vẽ lập hội múa lân mục đích để kiếm tí tiền còm. Cái mục đích này nó lâm ly và vất vả lắm. Trước hết ông Chủ hội phải làm một màn đi trước, nghĩa là đi gạ xem gia chủ nào bằng lòng rước lân để cầu an làm ăn khấm khá thì hội sẽ hẹn giờ vác đầu lân và đoàn tùy tùng tới. Dĩ nhiên khoản tiền còm đã được định trước.

Khi lân đến, gia chủ mở cửa, lân sẽ làm một pha vái chào rất ư là lễ phép. Càng lễ phép gia chủ càng hả hê có thể thêm địa là đằng khác. Sau đó là màn nhẩy múa, vờn địa, cắn đuôi, vờ tìm trái cầu v.v... nghĩa là mệt lắm. Nhưng nếu mồ hôi cục đã chảy ra, lân có quyền vờ vĩnh nằm nghỉ nhưng mắt vẫn chớp lia lịa. Hết một màn nhẩy, lộn lại bắt đầu chừng vài ba pha là lân bắt đầu khều tiền. Mục này là mục vất vả nhất. Nếu hội nào bị tổ trác có chầu gẫy xương, vỡ mặt. Gia chủ buộc tiền thưởng lên chỗ cao hiểm hóc, lân phải công kênh nhau hết thang ngắn đến thang dài mới hòng khều nổi. Ôi nghệ thuật kiếm tiền quả hốc hác thật.

Đệ tam món Trung Thu là đèn giấy, nó cũng được xếp vào loại tối quan trọng của ngày rằm. Thiếu đèn kể như bất thành Trung Thu, lời các đấng nhi đồng đã dậy thế.

Ngày xưa đèn Trung thu nó giản dị lắm, lơ thơ vài kiểu rất là hòa bình như đèn mặt trăng, đèn củ ấu, đèn kéo quân tục gọi là đèn cù. Nhưng ngày nay nền đèn đóm đã đến thời kỳ lạm phát đầy vẻ thời trang. Người nhớn nhà buôn khôn lắm biết gãi đúng chỗ ngứa của búp bê, phục vụ búp bê hết mình nhưng không phải để làm phước đâu nhé, họ khều tiền đấy. Phe kẹp tóc thì có đèn bươm bướm, đèn bông huệ, bông hồng, con thỏ, bù câu. Phe húi cua thì có đèn xe tăng, tầu lặn, trung liên, tàu bay, ngựa chiến, bét men... Cũng có đấng nhi đồng khéo tay làm lấy, nghệ thuật rất tinh vi lại còn có vẻ thời trang tân kỳ. Chỉ cần một lon cô-ca, một ống chỉ, một cây que thế là một đèn Trung thu tự động ra đời, rọt rẹt cả đêm ngoài đường không sợ bà hỏa hỏi thăm như nền đèn giấy.

Kể ra thì mấy món ăn chơi Trung thu quả có tốn kém vung vít nhưng không ai dám nhổ rễ nó lên bởi rằng thì là nó đã trở nên cái màu mè, hình thể của ngày đó rồi. Nó ngồi chồm chỗm trong đầu mỗi người chỉ cần nghe tiếng gọi Trung Thu là nó hiện ra một cách rất sốt sắng rõ mồn một: Bánh dẻo bánh nướng đèn giấy đèn hoa, múa Lân chũm chọe. Như vậy thì làm sao mà chia ly được! Có nên tìm một hình thức vui vẻ nào khác có tính cách giáo dục, xã hội, văn nghệ không hay cứ phải ôm lấy nó sợ nó vuột mất là hết Trung thu? Khó thật.


HUY YÊN   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)


Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Bài Cho Nhi Đồng Tháng Tám


Mảnh giấy nhỏ đã đầy đặc những hình vẽ. Tiến bỏ cây viết xuống bàn, ngắm nghía. Tôi cũng ngừng tay viết, hỏi:

– Vẽ cái gì đó Tiến?

Hình như thằng bé không nghe gì. Tôi nhìn vào mảnh giấy: chỉ toàn là đồi núi lồi lõm và chính giữa là một chiếc phi thuyền. Cả một khung cảnh thật khích động. Tôi nao nao nhớ đến cách nay năm năm, những bước chân đầu tiên của con người đã đặt lên nguyệt cầu. Thật thần tiên và cũng thật tàn nhẫn. Thần tiên vì đó là sự thực hiện giấc mơ của người địa cầu: thăm quê hương của chị Hằng. Nhưng cũng thật tàn nhẫn vì từ đó bao nhiêu huyền thoại đã sụp đổ. Trẻ con từ đó không còn tin chuyện cây đa, chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc trên cung trăng. Mảnh trăng vàng không còn là một cái gì thơ mộng, bí ẩn nữa.

Tiến quay lại, khoe:

– Đẹp không chị?

– Đẹp.

Tiến hớn hở nói:

– Đây là chiếc nguyệt xa do em sáng chế.

Tôi giật mình, rồi cười xòa:

– Kiểu năm nào đây?

– Năm 1984.

Tôi bắt đầu tham dự vào trò chơi của Tiến:

– Tại sao không phải là năm nay?

– Năm nay em mới có mười tuổi, chưa làm phi hành gia được.

– Ghê dữ vậy? Đợi tới hai mươi tuổi làm phi hành gia trẻ nhất thế giới à?

Tiến cười thích thú, và cúi xuống vẽ thêm cái bóng của chiếc nguyệt xa in trên mặt đất lởm chởm.

Tôi không còn hứng để viết nữa, lặng yên ngắm bức họa của Tiến, chợt nghe một nỗi gì, như là tiếc, hay thương, hay bâng khuâng… làm lòng mình chùng xuống. Mùa thu! Ừ, mùa thu đã đến từ lâu rồi. Giản dị và gọn gàng biết bao! Mùa thu ở Sài Gòn không có gió heo may mà chỉ có nắng gắt làm toát mồ hôi. Không có lá thu rụng mà chỉ có những đốm hoa phượng tả tơi còn sót lại trên cành cây xanh lá. Ôi mùa thu! Vô vị và lặng lẽ thế nào! Bao nhiêu lần Trung thu đã đến và các em tôi lớn dần. Mỗi lần phố sá có một tí màu sặc sỡ vì những chiếc lồng đèn và xóm nhỏ có một tí lửa đèn cầy bé nhỏ lung linh về đêm, là tôi nhớ đến ngày hai con người đầu tiên bước chân lên mặt trăng (*). Rồi thôi, tôi lại quên ngay sau đó. Nhưng hiện giờ, Tiến đang gợi lại. Tôi biết trong cái khô gọn của đời sống, bao nhiêu ước mơ đã tự nó ươm mầm. Trong cái lặng lẽ của ngày tháng, một chút gì rực rỡ vẫn tiềm tàng. Nhìn Tiến vẽ mơ ước của mình ra trang giấy, tôi nghĩ đến đường biểu diễn mơ ước của con người theo thời gian. Ai lại chẳng thế, phải không? Thuở lên năm có những ý nghĩ vĩ đại, khi lớn dần thì ước mơ lại nhỏ dần. Một sự biến thiên nghịch chiều? Tôi cũng vậy, nhưng hy vọng có nhiều cái ngoại lệ. Ồ, nghĩ vẩn vơ quá đi! Hãy nhìn kìa, cái lá cờ Việt Nam đã bay phất phới một cách rất nặng nề bên cạnh chiếc nguyệt xa.

*

– E… í… e… í… ò! Dang ra! Xê ra!

Ai cũng giật mình. Nhưng má đã hiểu ra trước. Má cười:

– Rồi! Lại choàng khăn, lại trùm mền nữa rồi!

Quả thật không sai. Thạnh xuất hiện ở cửa phòng, làm ai cũng bật cười. Trên đầu quấn một tấm vải hoa, giắt một cây trâm vàng, người choàng một tấm mền nhỏ. Thạnh để ngón tay trỏ lên má, chạy một vòng biểu diễn. Tôi kêu lên:

– Thạnh, sao cứ giả gái hoài vậy?

– Em đóng “Hồ Quảng” mà!

– Trời!

Tôi không thể nào nhịn cười được. Tiến thì bực mình gắt gỏng:

– Nè, sắp nhập học rồi, sao không chịu ôn bài? Mi mà học dở quá cô đuổi ra, cho đi học trường tư rán chịu.

– Không sợ! Học trường tư cũng được. Thạnh tha hồ mặc áo đẹp. Có anh Tiến mới sợ, nghe má dọa hễ thi rớt thì bắt đi học trường tư phải mặc áo chim cò…

– Rồi sao?

– Rồi… rồi hoảng hồn phải thi đậu vào lớp đệ thất, ha ha….

– Trời ơi! Nói vậy mà cũng nói. Người ta đậu là vì người ta học giỏi.

– Kệ anh Tiến. Thạnh cũng học giỏi vậy. Nhưng Thạnh cũng thích hát Hồ Quảng nữa. Nè, nghe đây… 
dang ra… xê ra! E í e í… ò… Như ta đây là….

Tiến vùng vằng tức tối cầm sách vở chạy đi. Còn lại cu Thạnh lúc này đã leo lên giường, một mình thủ nhiều vai. Giọng của Thạnh trong trẻo và gương mặt mủm mỉm trắng hồng khiến không ai có thể giận Thạnh được.

– Bây giờ em đóng vai Na Tra nghen! Lúc này Na Tra đang hiện hồn về nghen! Bớ mẹ… con đã về đây… bớ… mẹ!….

*

Tiến và Thạnh khác nhau một trời một vực. Tiến ít nói, Thạnh líu lo như chim. Tiến thích ngồi một mình xem sách hoặc vẽ, Thạnh ưa có đông người để cho cu cậu góp chuyện. Tiến mê Sử ký, Địa lý, Toán và … Thiên văn, Thạnh khoái xem kịch và… cải lương Hồ Quảng. Tiến thích mặc áo trắng quần xanh để đi học trường công, Thạnh khoái có khăn áo rườm rà để… đóng tuồng.

Tôi gọi Thạnh:

– Thạnh nè! Mình là con trai, đi học trường con trai, mà cứ yểu điệu như vậy người ta đuổi qua trường con gái đấy!

Thạnh tháo chiếc khăn xuống, nhoẻn miệng cười:

– Em chơi một tí thôi. Bữa nào đi học, em lại học đàng hoàng.

– Giỏi lắm! Học rồi lớn lên Thạnh sẽ làm gì nào?

– Làm nghề gì hở chị?

– Ừ. Chẳng hạn như anh Tiến đó, anh ấy mơ làm phi hành gia để lên mặt trăng. Còn Thạnh?

– Em cũng mơ lên mặt trăng.

– Thật không?

– Thật chứ! Em sẽ đi đua cùng với anh Tiến.

*

Thạnh đã lên mặt trăng trước Tiến. Một cuộc so tài thầm lặng! Tiến còn chờ ngày hai mươi tuổi. Nhưng cu Thạnh thì chỉ cần đội lên đầu một cái vương miện bằng giấy, khoác một tấm chăn, và nhún chân một cái… Xoèng! Tiếng chiêng trống giả bằng miệng đã nổi lên. Và… “Đường Minh Hoàng tí hon” đang đứng trên… cung Quảng. Thật là huyền diệu! Thật là thơ mộng! Trung Thu chưa đến, nhưng tôi nghe xung quanh mình nhiều tiếng trống múa lân như đã vang dội. A! Ít ra trong cái khô gọn của đời sống, của thời đại nguyên tử, vẫn còn có những phút giây hay hay như thế. Tôi vỗ tay khen ngợi Thạnh. Thạnh đang bước trên mặt đất quê hương chị Hằng – làm bằng mền và gối. Thật êm ái, không âm u lạnh lẽo như mặt đất cung trăng mà Tiến đã vẽ, như những phi hành gia đã thấy.

Tiến tức lắm. Dù không ghét những trò chơi của Thạnh, nhưng để tỏ ra “ta là người lớn”, Tiến bỏ đi ra sân nhà.

*

Đêm đã xuống thật bình yên. Ở đây mùa thu không vui, không thơ mộng, nhưng Tiến không phải nghe súng bắn hay bom nổ như ở nhiều nơi mà Tiến biết qua sách Địa dư, qua tin thời sự. Tiến dõi mắt nhìn lên trời. Tiến đã thấy trăng ở sau mây. Khích động quá, cái mảnh tròn và sáng rực đó. Từ lúc năm tuổi đến nay Tiến đã vẽ biết bao nhiêu chiếc phi thuyền. Trái mơ chưa chín. Nhưng Tiến sẽ lên đó, cắm một ngọn cờ, nhặt vài mẩu đá, và… và làm gì nữa nhỉ?

– Cho Tiến này!

Tiến ngạc nhiên, rồi sáng đôi mắt lên. Một mẩu đá trong tay chị. Tiến nắm lấy, thắc mắc:

– Đá gì đây, chị?

– Đố Tiến biết.

– Đá mặt trăng, phải không?

– Sai rồi! Đá ở núi Châu Thới, chị nhặt và giữ mấy năm nay. Cho Tiến đó!

Tiến băn khoăn chưa hiểu. Tôi xoa đầu em, nói:

– Tiến biết không, đá này hay hơn đá mặt trăng nhiều. Vì đá mặt trăng được mang về nghiên cứu, nếu có những gì quý giá thì con người cũng khó lòng mà đạt được, vì nó xa xôi quá. Còn đất đá lấy từ nước non mình, đáng được nghiên cứu hơn hết, vì…

Tôi không biết nói sao cho đủ ý. Tiến mới có mười tuổi. Hãy để cho em nuôi trái mơ. Tôi thật bậy khi phá quấy những ý tưởng của em. Nhưng Tiến đã cười, và em tiếp lời tôi:

– Em hiểu rồi! Vì trong đất đá có những giọt dầu hỏa. Em nghe người ta nói vậy, đúng không chị? Nếu biết trong đất đá nước mình có những giọt dầu hỏa, mình sẽ dễ tìm kiếm hơn là tìm kiếm một thứ gì trên mặt trăng, phải không chị?

– Ừ!

Tôi lặng im, và nghe gió thu mát rượi cả lòng. Tiến không còn nhìn mặt trăng nữa, mà say sưa ngắm mẩu đá. Em ơi! Quê hương ta chưa cần có một chiếc phi thuyền, nhưng đang cần rất nhiều dụng cụ, nhiều nhân lực để tìm dầu hỏa. Rồi em sẽ lớn. Rồi các em sẽ lớn nhé! Những ước mơ của chúng ta chắc chắn sẽ nhỏ dần theo ngày tháng – nhưng đến một điểm nào thôi, rồi sẽ ngừng lại, và tiếp tục. Ở đó, giấc mơ thành sự thật. Tiến hiểu gì không?


NGUYỄN THỊ MỸ THANH  


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa, số 227, số Trung Thu, ra ngày 1-10-1974)

Bìa của Vi Vi : Hát dưới trăng

 

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Tết Trung Thu Quê Nhà












Ngày hồng xưa mang thật nhiều âm hưởng
Tuổi ấu thời như một chỗ nghỉ chân
Ta chỉ còn trong giấc đời mộng tưởng
Ôi ngỡ ngàng, trăm nỗi nhớ bâng khuâng

Thời niên thiếu hồn nhiên nơi quê ngoại
Mười mấy năm như một thoáng xa đưa
Cậu học trò trường làng thương biết mấy
Trên cây đời vừa ươm nụ hương xưa


Những ngày tết trôi qua nhiều luyến tiếc
Và mùa xuân cũng chắp cánh xa bay
Cơn nắng hạ đong đầy trong mắt biếc
Ta vui mừng thu mới chớm heo may

Không còn nghe ve sầu kêu rộn rã
Trưa học về qua hàng phượng đầu làng
Nắng thu sang đỏ hồng trên khuôn má
Hoa vông vang bờ ruộng nở hoa vàng

Ta bỗng thấy tiết trời như đổi khác
Cúc ngoại trồng nở mấy nụ thơm hương
Giàn thiên lý ngõ nhà xanh bát ngát
Bầu trời thu đầy mây trắng vương vương

Lòng náo nức, những ngày cuối tháng bảy
Ta theo cha chặt mấy lóng tre xanh
Đem ngâm nước phơi sân nhà ông ngoại
Chút hồn nhiên theo màu nắng vàng hanh

Thương con cháu từng tuổi già vất vả
Ngoại chẻ tre, chuốt vót sướt cả tay
Rồi uốn nắn nên khuôn hình con cá
Ta đứng xem lòng bỗng thấy mê say

Dán giấy kiếng ngoại tô màu thật đậm
Chiếc lồng đèn, con cháu đón thu sang
Vẻ xôn xao những ngày đầu tháng tám
Người dân làng với trăm nỗi hân hoan

Rằm tháng tám, sáng theo me đi chợ
Ta ngẩn ngơ hàng bánh chú ba tầu
Bánh nướng, bánh dẻo ôi nhiều đủ thứ
Lồng đèn trung thu lắm kiểu lắm mầu

Chiều ngày rằm cha ta bày biện cỗ
Ở ngoài sân chờ tối đến đón trăng
Những thâm tình ấu thời ta vẫn nhớ
Vàng son xưa, hương yêu cũ ngút ngàn

Sân gạch tàu mẹ ta đem chiếu trải
Hết cả nhà vui vẻ đợi trăng lên
Ta thích chí cỗ bàn nhiều bánh trái
Đèn kéo quân treo bên dưới mái hiên

Trăng tháng tám trên hàng cau quê ngoại
Quê hương ta trăng thu đẹp vô ngần
Khắp xóm làng chan hòa trong ánh sữa
Đêm thanh bình nghe mộc mạc quen thân

Ngoại nhâm nhi chén trà vui kể chuyện
Ta nằm nghe, hương thiên lý thoảng qua
Đường Minh Hoàng khi xưa du nguyệt điện
Gặp Hằng Nga cùng tiên nữ múa ca

Ta hớn hở xách lồng đèn con cá
Bao vui mừng nhập bọn trẻ trong làng
Đèn lung linh muôn mầu ôi đẹp lạ
Miệng hát vang theo nhịp bước tung tăng

Tiếng trống múa lân vang rền trước ngõ
Cha ta đem treo giải ở ngoài sân
Lân, ông địa cùng múa may mừng rỡ
Người hò reo lân ăn giải trăng rằm

Cha phá cỗ, bánh trung thu thơm ngát
Ta thích ăn bánh dẻo, ngọt bùi bùi
Trà mạn sen bốc khói hương thơm ngát
Trăng trên cao sáng vằng vặc chia vui

Đêm trung thu chút trầm buồn diệu vợi
Cuộc vui tàn ta luyến tiếc ngẩn ngơ
Gió mùa thu xa đưa hương đồng nội
Dìu ta vào trong giấc ngủ nên thơ

Ta nhớ mãi đêm trăng thời niên thiếu
Tết trung thu miền thôn dã êm đềm
Tình quê hương chứa chan bao âm điệu
Ở quê nhà thắm đượm những thân quen

Hương yêu xưa của một thời thơ ấu
Huyền thoại hồng có thằng cuội cây đa
Ngàn nhớ thương về quê nhà yêu dấu
Ánh trăng vàng bát ngát khắp quê ta

Rất ngoan hiền thiên đường mùa thu tím
Sẽ nhớ nhung ta bước xuống cuộc đời
Và tất cả đã trở thành kỷ niệm
Của tháng năm đẹp nhất một đời người


                                     TRẦN THƯỢNG THÁI
                                                 (Trang Vy)
                                          Bút nhóm Hoa Nắng


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972)

Bìa của Vi Vi : Khúc nhạc dưới trăng

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Trong Đêm Rằm Tháng Tám


Vừa lách mình qua cánh liếp, Tư đã vội lẳng hộp đồ nghề đánh giầy xuống đất rồi chạy lại phía giường mẹ. Căn buồng tối om làm Tư hoa mắt trong một giây. Nhưng qua một phút choáng váng. Tư đã nhìn thấy rõ mẹ đang nằm thiêm thiếp dưới lớp chăn mỏng. Mái tóc mẹ lòa xòa rủ xuống vầng trán nhăn, mắt và má sâu hõm, tuy đứng cách xa Tư cũng đã nghe thấy tiếng mẹ thở khò khè. Bầu không khí trong buồng thật buồn nản, mùi ẩm mốc xông lên từ lớp đồ đạc lủng củng chất đầy gầm giường, mùi dầu nóng tỏa ra nồng mũi, xen vào đấy, tiếng muỗi bắt đầu vo ve quanh tai. Tư tiến lại gần giơ tay sờ lên trán mẹ. Vẫn cơn sốt hầm hập buổi sáng. Vẫn tiếng rên rỉ yếu đuối mệt nhọc. Nó nhấc chiếc ống thuốc để trên đầu giường lên soi, yên lòng bởi mẹ đã uống theo như lời nó dặn. Tư móc túi lấy thêm ra một gói thuốc mới, nó đã mua bằng đồng bạc cuối cùng kèm theo một gói bánh mì khô cứng. Đó là bữa ăn chiều của hai anh em trong ngày hôm nay. Nghĩ tới ăn Tư mới chợt nhận ra rằng từ lúc về nó chưa trông thấy thằng Thanh. Tư nhìn ra chung quanh và nó bắt gặp cu Thanh đang kê cái cằm lên thành giường ngủ như một con chó nhỏ. Tư lẳng lặng lại bàn đánh diêm châm lên ngọn đèn dầu. Ánh sáng vụt tỏa lên một màu vàng úa. Xong đâu đó, nó lẩn thẩn xuống bếp hâm lại nồi cháo cho mẹ. Lúc nhóm xong bếp lửa thì thằng Thanh cũng đã vừa tỉnh dậy. Nó mò xuống bếp ngồi phệt ngay xuống cạnh anh và bắt đầu ti tỉ đòi:

- Anh Tư! Đèn của em đâu? Đèn anh hứa mua từ hôm nọ sao không mua?

Rồi nó phụng phịu:

- Tụi nó chơi rước đèn ngoài phố vui quá nè anh.

Tư bỗng cảm thấy bực tức, nó gạt em nó qua một bên rồi càu nhàu:

- Đèn với đóm cái gì. Mẹ ốm mày vui lắm sao mà đòi chơi đèn.

Thằng bé không chịu, ngồi lăn ra, hai chân dẫy lên đành đạch:

- Ai bảo anh hứa. Ai bảo anh nói là cho em đèn. Hôm nay mười bốn ta rồi.

- Nhưng mẹ ốm. Chờ mẹ khỏi rồi chơi đèn.

- Thế thì hết Trung Thu rồi còn gì mà chơi. Mặc kệ em không biết, anh trả em đèn đi nào... nào...

Vừa nói đến đây thì thằng Thanh tu lên khóc, tiếng khóc của nó làm Tư càng sốt tiết hơn. Nó túm ngay lấy ngực em giật lấy giật để:

- Mày có im đi cho mẹ ngủ không? Đồ bất hiếu!

Thằng bé không chịu, gào to hơn. Tư hốt hoảng vội bế xốc nó ra ngoài cửa trước, du mạnh nó một cái.

- Ôn con. Mày mà còn gào nữa không cho mẹ ngủ thì chết đòn.

Nói rồi Tư chạy vụt vào đóng mạnh cửa lại. Thật sự Tư cũng thấy mình vô lý. Tư đã hứa mua đèn cho nó từ ngày hôm kia. Chiều hôm nay qua mấy dãy phố thấy đèn bầy đỏ rực cả các cửa tiệm, Tư đã nghĩ đến lời hứa của mình. Nhưng khốn nỗi tiền đánh giầy của nó hôm nay chỉ vừa đủ tiền mua thuốc cho mẹ. Bởi vậy nó nghĩ rằng sẽ nói ngọt để thằng Thanh "tha" cho nó về tội không mua đèn như đã hứa. Nhưng thằng bé lì lợm, ham chơi hơn là biết suy nghĩ. Thật cũng tội cho nó.

Vừa lúc ấy mẹ Tư đã cựa mình thức giấc. Tư vội vàng chạy lại. Bà cụ hỏi thăm nó về tiền bạc kiếm được. Tư phải nói dối là hôm nay gặp hên kiếm được khá nhiều. Một niềm vui thoáng hiện trên khuôn mặt xanh xao. Bà nói:

- Vậy con đi mua cho em nó thêm cái gì ăn với cơm. Mấy bữa nay ăn hoài bánh mì tội nghiệp nó.

Tư vội vã hứa:

- Mẹ cứ nghỉ đi, con lo cho nó đầy đủ hết rồi.

Bà cụ mỉm cười hài lòng. Tư hỏi:

- Bây giờ mẹ ăn cháo nhé.

- Thôi để đến khuya. Bây giờ mới uống thuốc xong, ăn vào nó giã thuốc.

Nói rồi bà cụ lại thiêm thiếp ngủ. Tư đắp lại mền cho mẹ rồi rón rén trở ra. Nghĩ đền thằng Thanh nó bắt đầu thấy hối hận về sự gắt gỏng vừa rồi. Tư vội cầm gói bánh mì đem ra cửa tìm nó. Thằng bé lúc này không còn ngồi ăn vạ ở cửa nữa, nó ra tuốt tận đầu ngõ, ngồi xổm trên một hàng hiên để xem bọn con nít trong xóm chơi rước đèn, qua ánh nến rung rinh cặp mắt nó sáng lên đầy vẻ thèm thuồng. Trước cảnh đó, Tư bỗng thấy lòng xót xa và nó thương em vô cùng. Một ý nghĩ thoáng qua làm nó hết mệt nhọc. Nó vội chạy lại gần em và nói:

- Thanh ơi! Ăn bánh mì cho đỡ đói rồi chờ anh đi mua đèn về cho.

Mặt Thanh vụt tươi lên. Nó nhoẻn ngay miệng cười:

- Thật nhé. Thật nhé anh Tư nhé.

Tư gật đầu quả quyết:

- Thật mà. Thế nào anh cũng đem đèn về cho.

- Đèn tầu bay đấy nhé. Anh Tư nhé.

- Ừ! Một cái đèn tầu bay thật đẹp.

Thằng bé vui sướng đón lấy mẩu bánh mì ăn một cách ngon lành. Trong khi đó, Tư trở về buồng lấy ra bộ đồ nghề đánh giầy. Từ sáng nó đã mệt mỏi lắm rồi nhưng chỉ có sự cố gắng ấy, mới có thể đem lại đôi chút hy vọng là có tiền mua được đèn cho em. Sau khi căn dặn em dòm chừng mẹ ngủ, Tư xách thùng đồ nghề đu ra ngõ. Trời tối hẳn tự bao giờ. Phố xá đã lên đèn. Tư nghĩ đến con đường dài đằng đẵng từ ngoại ô lên trung tâm thành phổ để len lỏi vào những tiệm đông người, xin đánh một đôi giầy. Cơ thể của nó đã mỏi dừ. Đầu óc hơi choáng váng, Tư muốn ngả lưng xuống cái chõng tre ngủ một giấc để chiều theo cơn đòi hỏi của đôi mắt đã bắt đầu trĩu xuống sau một ngày làm việc.

Nhưng lòng thương em của nó đã mạnh hơn, nó gắng gượng xốc cái thùng đang trở nên nặng chịch trên tay. Và thân hình còm cõi của nó lao vào trong đám tiếng động ồn ào của đủ các loại xe cộ, đủ các loại đèn mầu rực rỡ, và những đốm nến lập lòe của từng đám trẻ con đang bắt đầu chơi rước đèn Trung Thu.


BỘI KHANH   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 56, số đặc biệt Trung Thu, ra ngày 17-9-1972)

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Màu Áo Thu



















Mưa tháng tám phất phơ mềm giăng tơ,
Giọt ngắn dài mây che bụi xa mờ
Thu vội đến úa tàn vàng thân lá
Cành ngẩn ngơ nuối tiếc dáng chơ vơ

Thu đến đi kiêu sa dáng cúc vàng
Hương thanh cao dài chút nắng thênh thang.
Hoa ngẩn nhẹ xanh mượt mà lá thắm
Ngày hẹn ngày chờ đón gió thu sang

Ngóng chờ thu mong trở lại nhuộm màu
Thu băng đồi hay vượt thác ngàn cao
Từ nghìn trùng say nồng cơn lửa hạ
Lay hồn chim đôi thoáng lạnh lao xao

Buổi sáng reo mấp máy hạt sương hong
Phiến sương mù sà đậu xuống thong dong
Ngày đẩy đưa vui ca mừng nắng mới
Gió có duyên nâng mái tóc xanh hồng

Có cô bé nhìn thu thấy lạnh lùng
Chút hương buồn vừa kết nụ ung dung
Rồi vội vã dáng chừng hư cánh bướm
Ra vườn xem ngày thơ ấu vô cùng

Áo trắng tinh lấp ló khuất trong vườn
Hoa một ngày hàm tiếu thật dễ thương
Mười lăm tuổi tâm hồn còn thơ thẩn
Dại khờ như thu lơ lửng bên tường

Ngồi ngẩn mặt hai tay buồn đưa ra
Đong từng mùa ước mơ sáng chói lòa
Mưa chưa ướt giọt sầu thân bé bỏng
Môi dỗi hờn thân quen cũ dần xa

Và buổi sáng chập chờn vùi cơn mê
Bước ngắn dài mưa mây dắt nhau về
Màu tím thu ươm chừng ô cửa mắt
Lá rớt vàng thu gầy kiếp lê thê

                                                NHÃ UYÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 162, ra ngày 1-10-1971)

Bìa của Vi Vi : Trăng với Đèn



Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Một Lỗ Thủng


Cách đây hai năm, ngày tôi còn là một học sinh lớp đệ lục... tuy không hẳn là một học sinh gương mẫu nhưng bài học lúc nào cũng thuộc... vả lại áo quần luôn sạch sẽ và đàng hoàng ; nhờ vậy tôi được thầy toán, một vị giáo sư nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường quý mến... Trong lớp học là như vậy, chúng tôi một nhóm sáu đứa, ngồi hai bàn đầu dẫy con trai rất ngoan ngoãn, đứa nào cũng vào hạng khá. Không bao giờ nói chuyện trong lúc thầy giảng bài... Học hành hết sức chăm chỉ nên chúng tôi chiếm được hầu hết cảm tình của quý thầy. Nhưng đến giờ chơi thì trái lại... theo lệ thường, mỗi lần nghe trống đánh ra chơi thì chúng tôi, đứa nào cũng sung sướng lộ ra nét mặt và quên mọi sự khó nhọc, mệt mỏi của hai giờ đầu ; chúng tôi sẽ được dự cuộc chơi "trốn tìm".

Thôi thì chúng tôi chạy nhảy khắp lớp học, la hét om sòm, nhảy lên cả bàn ghế để chạy trốn. Có lắm lúc vì quá hấp tấp làm chiếc bàn rơi đánh rầm xuống nền xi măng... và cứ mỗi lần như vậy chúng tôi lại "đình chơi"... mặt đứa nào đứa nấy tái mét, chỉ sợ thầy giám thị biết được cho ăn roi mây... nhưng sau một lúc nếu không có gì... Tính nào tật ấy chúng tôi cũng bắt đầu chơi lại...

- Mấy đứa bàn đầu xem "lụt lịt" nhưng hoang "một cây"... Anh trưởng lớp đã nhiều lần phàn nàn về chúng tôi.

Thời gian cứ bình thản trôi qua... nhưng một hôm, tôi nhớ không lầm là vào ngày thứ sáu. Sau hai giờ Pháp văn "ngột ngạt" vì rất nhiều đứa không thuộc bài được thầy cho ăn trứng... Trống vừa đánh báo hiệu giờ ra chơi... Chúng tôi (vẫn sáu đứa hai bàn đầu) nhập cuộc liền.

Chúng tôi đứng thành vòng, miệng hét lớn:

- "Tay trắng, tay đen..."

Thế rồi thằng Châu, thằng Đạt... bọn chúng được loại ra khỏi vòng chiến, cuối cùng chỉ còn lại tôi và thằng Trung phải "oánh tù tì". Sau "nghi thức thường lệ" thằng Trung giữ mạng (mạng là một chiếc giày của thằng Đạt.

- Hôm nay Trung xui thật chúng tôi nói khích... Ê! Trung xui... Trui xung...

Nói chưa dứt câu Trung đã nhanh miệng đếm liền:

- "Năm... mười... mười lăm..."

Chúng tôi chạy tán loạn, mỗi đứa mỗi chỗ, mạnh ai nấy trốn... Tôi chọn một chỗ rất kín đáo : dưới bàn giáo sư... tôi nín thở... không dám "động đậy"... hồi hộp... Nhưng quái ác thay, bàn giáo sư có một khe ván hở nên nó thấy vạch áo trắng của tôi... Dừng lại, nó hét lớn: "Đạp mạng thằng Ninh".

Tôi sợ bị "chết" đầu nên hấp tấp đứng dậy để chạy đến giành mạng với thằng Trung... Nhưng than ôi! Đít quần tôi bị một cái đinh ở mép bàn móc vào làm thủng một lỗ lớn... Lớp tôi có cả nữ sinh nên tôi phải kéo áo ra khỏi quần để che bớt một phần nào lỗ thủng ở quần... Chẳng mấy chốc ba tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp. Bọn thằng Trung, thằng Đạt... nhìn tôi với cặp mắt lo ngại vì chúng tôi sắp phải học hai giờ toán của vị giáo sư khó tính và nghiêm khắc nhất trường... Ai trong bọn tôi, đứa nào cũng còn nhớ lời thầy dặn đầu niên:

- "Vào giờ thầy ai bỏ áo ra khỏi quần sẽ bị phạt".

Lời dặn dò đó như đang văng vẳng bên tai tôi. Tim tôi đập mạnh, tôi hồi hộp, lo sợ lạ... Kìa thầy đã đến... thằng Trung ra hiệu cho tôi. Cả lớp đang ồn ào bỗng yên lặng tức khắc. Một sự im lặng đáng sợ, tôi mất bình tĩnh... hồi hộp chờ đợi... Thầy bước vào lớp, mọi người đều đứng dậy. Tôi cố núp sau lưng thằng Trung để thầy khỏi thấy : áo tôi không bỏ váo quần... những giây phút lo sợ chậm chạp trôi qua, tôi thoát! Thầy giáo ngồi vào bàn điểm diện xong và bắt đầu "dò bài". Sau cặp kính trắng chảy xuống tận mũi... với cây bút đỏ cầm tay thầy dò từng tên... từng tên một... Thằng Đạt... thằng Trung cùng những đứa khác lần lượt bị kêu lên trả bài... Người tôi run lên, tim tôi đập mạnh, tuy lúc đó tôi cố vòng tay làm tỉnh nhưng nhìn ngòi bút nguyên tử ở tay thầy đưa lên xuống... người tôi phát ra một cảm giác lạ lùng, nửa lo sợ, nửa hồi hộp... tôi cứ cầu nguyện sao cho thoát khỏi bị gọi đọc bài mặc dầu hôm đó bài học tôi rất thuộc... Cả lớp im phăng phắc... tim tôi càng đập mạnh đang hồi hộp lo sợ những việc sắp xảy ra thì quái ác thay : thầy đã dừng lại đúng tên tôi... tiếng thầy gọi lớn:

- Nguyễn Thắng Ninh... lên trả bài.

Ôi lúc đó tôi rất cuống cuồng, trời đất như tối sầm lại... nhiều ý nghĩ lộn xộn thoáng qua trí óc tôi. Nhưng cuối cùng nhìn khuôn mặt nghiêm khắc quen thuộc của thầy tôi cũng đành phải mang vở lên trả bài...

Sau cặp kính trắng, đôi mắt của thầy quắc lên giận dữ vì thấy tôi không bỏ áo vào quần, ngang nhiên phạm vào lời thầy dặn đầu niên khóa... Tôi tiến dần đến bàn thầy như một cử động vô ý thức, tâm hồn tôi hết sức xáo động vì quá lo sợ... Tôi muốn nói tất cả sự thật nhưng ô kìa! Đầu óc tôi bây giờ sao trống rỗng thế! Miệng tôi mấp máy nhưng không thốt ra lời... Bỗng tiếng thầy quát lớn một cách tức tối:

- Ninh! Lên bục... xây mặt vào tường...

Thầy nói một cách hết sức cứng rắn, cương quyết... với lại cặp mắt của thầy sao mà nghiêm nghị dữ tợn lạ. Tôi không dám nói một lời nào và như người máy tôi hành động theo mệnh lệnh của thầy... Hàng chục cặp mắt đang hướng về tôi một cách xoi bói... tưởng tượng đến những lời gièm pha của chúng bạn mà tôi điếng người...

- Bỏ áo vào quần... rồi xuống trả bài mau... thầy tôi lại nói với một giọng không kém phần cương quyết hơn lần trước.

Tôi tần ngần chưa dám tuân lệnh, hoàn cảnh tôi lúc này thật khó giải. Phải làm sao? Làm sao bây giờ? Đầu óc tôi suy nghĩ mung lung... không nghe theo thầy ư? Chắc không ổn vì sẽ bị phạt nặng hơn... nhưng nếu tuân theo lệnh thầy thì... ôi thôi "dị" biết dường nào!!!... Câu chuyện này sẽ bị cả trường biết đến...

Tay tôi tuy nắm chặt chéo áo nhưng không đủ can đảm kéo nó lên để bỏ vào quần... thấy tôi tần ngần, không theo lệnh của ông, thầy tôi đánh mạnh tay xuống bàn gây lên một tiếng lớn làm cả lớp đều giật mình... Tiếng thầy tôi quát lớn hơn:

- Sao? Bỏ áo vào quần... đừng làm mất thì giờ... hay là muốn bị đuổi hử???

Quá khiếp sợ tôi mất bình tĩnh, dồn hết can đảm vén áo lên thì... ôi thôi cả lớp cười vang... một vài đứa nhảy xổm lên ôm bụng nằm lăn ra ghế mà cười không kể có mặt thầy giáo... mặc dầu là "thầy toán" ở trong lớp nữa... một lỗ thủng to tướng ở đít quần tôi lộ ra... Lúc đó tôi thẹn hết sức không cần biết gì chung quanh chạy tuốt xuống chỗ ngồi, gục mặt trên bàn... mặt tôi đỏ lên vì thẹn... tiếng cười quái ác vẫn vang đều bên tai tôi...

Thầy dạy toán nổi tiếng ít cười nhất cũng quay mặt vào tường nở nụ cười đầu tiên trong niên khóa...


THẮNG NINH  


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 93, ra ngày 15-7-1968)

                                                                            

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Một Giờ Học Cổ Văn


- Dạy từ thuở hãy còn trứng nước
Yêu cho đòn, bắt chước lấy người
Trình, thưa, vâng, dạ, đứng, ngồi;
Gái trong kim chỉ, trai ngoài bút nghiên
Gần mực đen, gần đèn thì sáng;
Ở bầu tròn, ở ống thì dài...

Thày giáo An đặt cuốn sách xuống bàn, nhìn một lượt khắp lớp, dặng hắng rồi cất cao giọng hỏi:

- Các anh, các chị đã viết xong cả chưa?

- Dạ rồi ạ!

Thày xoa tay:

- Được, vậy ngồi yên nghe tôi giảng đây. Bài này trích trong "Gia Huấn Ca" của cụ Nguyễn Trãi... Xuỵt, đừng nói chuyện...

Thày cầm cái thước, gõ cạch trên bàn, trừng mắt nhìn xuống cuối lớp:

- Định!

Định có hỗn danh là Định Còm đứng lên, ngơ ngác nhìn thày giáo:

- Dạ?

-Ngồi yên mà nghe!

- À, vâng ạ!

Định Còm ngồi xuống, đầu cúi nhìn trang sách, nhưng vẫn nói với Thất ngồi bên cạnh:

- Tao tưởng bố ấy gọi gì! Bài hôm nay có gì khó đâu, chỉ đọc qua một lượt cũng hiểu.

Thất:

- Thôi yên đi mày! Yên mà nghe...

Thày giáo An:

- ... Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, người xã Nhị Khê huyện Thượng Phúc là một văn gia nổi tiếng buổi Lê sơ. Tác phẩm ông viết bằng Hán văn rất nhiều. Riêng về Việt văn có tập Gia Huấn Ca vẫn truyền là của ông soạn ra.

Định Còm:

- Mày ạ, tuần này có một phim hay tuyệt cơ. Chị tao đã đi xem rồi mà hãy còn muốn xem lại.

Thất:

- Xuỵt, im mày!

Định Còm:

- Ờ, nghe làm gì mày? Lớp học hè ấy mà! Có bài gì cần lắm đâu? Thế nào sang niên học sau, chả phải giảng lại. Này...

Nhưng thấy Thất không có vẻ muốn nghe chuyện, hắn đạp chân lên hàng ghế trên:

- Ê, Lưu! Mày làm gì thế?

- Tao đương... đọc truyện!

- Truyện gì hả?

- "Đôi mắt huyền"! Lưu nháy mắt thêm:

- Tiểu thuyết diễm tình của tuổi đôi mươi, mê ly không chê được! Mày xem chưa?

Thày giáo đứng trên bục vẫn giảng:

- Tập Gia Huấn Ca, viết theo thể lục bát, chia làm sáu bài:

1) Dạy vợ con; 2) Dạy con ở cho có đức; 3) Dạy con gái; 4) Vợ khuyên chồng; 5) Dạy học trò ở cho có đạo; 6) Khuyên học trò phải chăm học; chủ ý tác giả là đem các điều cốt yếu trong luân thường diễn ra lời nôm cho mọi người đọc, nên lời văn dùng nghe giản dị, lưu loát và êm ái.

Chiếc thước ở tay thày An lại gõ xuống bàn cạch cạch:

- Im! Lưu!

- Dạ!

Thày cau mặt, gắt:

- Chuyện gì mà lắm thế! Anh thử nhắc lại lời tôi vừa nói.

Lưu nhìn nhìn sang hai bên, đá chân vào các bạn, có ý giục nhắc, rồi ấp úng:

- Thưa thày, thày vừa... khuyên học trò nên... lưu loát và êm ái!

Cả lớp cười ồn. Thày An lắc đầu thở dài:

- Anh chẳng chịu nghe gì cả. Vậy bài học mà tôi đương giảng có ích gì cho anh?!

Thày ngồi ôm đầu một lát, chán nản, suy nghĩ, rồi ngửng lên thày nói như dỗ học trò:

- Nếu các anh chịu khó ngồi nghe giảng hết bài này, tức là một đoạn trích giảng của bài "Dạy vợ con" trong tập Gia Huấn ca, tôi sẽ kể thêm cho các anh nghe một truyện lý thú về Nguyễn Trãi...

Các học trò con gái, ngồi hai hàng ghế trên cùng, láu táu:

- Thày kể ngay đi ạ!

Lớp học lại ồn lên. Chiếc thước kêu cạch cạch mãi chẳng ăn thua gì đành nằm im lặng trên mặt bàn. Được thể, có anh học trò che mồm đi, để giục trắng trợn một câu:

- Vâng ạ, luôn tút xuỵt đi cho vui!

Thày bực lắm lắm, nhưng không làm sao được vì biết bọn học trò bây giờ nó dân chủ quá mất rồi. Có mắng mỏ dạy dỗ chúng cũng phải hết sức nhẹ lời chứ không thì...

Trường là trường tư, ông hiệu trưởng chỉ cần đông sĩ số. Nên có học trò dám xử hỗn cả với thày. Không học trường này thì đi trường khác.

Thày đành miễn cưỡng giảng lạc đề đi một tí:

- Các anh các chị đã học Việt sử hẳn cũng biết, vì cái án Thị Lộ mà năm 1442 Nguyễn Trãi bị tru di cả họ.

Tục truyền rằng : Một hôm đi chầu vua về, giữa đường ông gặp một người con gái đẹp gánh chiếu bán. Ông bèn đọc thơ bỡn:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Định Còm thích khuỷu tay vào Thất:

- Thơ gì mà bố ấy đọc ông ổng thế mày?

- Thơ của Nguyễn Trãi bỡn Thị Lộ!

Định Còm nhìn lên bàn học trò gái nháy mắt:

- Thị Lộ à! Mày có rủ được Thị Lộ nào đi chơi xa lộ không? Trên xa lộ rất nhiều Nguyễn Trãi và Thị Lộ mày ạ. Rìa đường, bên gốc cây chỗ nào cũng có. Nhất là trời nực này.

Lưu quay lại:

- Chúng nó kéo nhau lên đấy làm gì, mày?

Định nhún vai:

- À, phất phơ... Tơ lơ mơ... chứ còn cái gì nữa. Mày quê một cục!

Thày giáo, giọng hơi gắt:

- Định, nói gì thế?!

Định trâng tráo đứng lên:

- Em nói truyện Thị Lộ...

Thày giáo lơ đãng:

- Ờ phải, Thị Lộ quê ở Tây hồ nghe Nguyễn Trãi đọc thơ bỡn, liền họa lại:

Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?

Thấy là người ứng đối thông minh, Nguyễn Trãi cưới nàng làm hầu.

Định Còm nhấp nhổm trên ghế:

- Thú nhỉ!

Hắn ngừng lại thì thào vào tai Thất:

- Hết giờ này chuồn lên xa lộ chơi nhé.

Thất:

- Xa lắm mày ạ.

Định:

- Ăn nhằm gì! Mày quên rằng tao là anh hùng Suzuki à?

Thày giáo:

- Tháng 7 năm 1442 vua Lê Thái Tôn tuần du phương đông, duyệt võ ở Chí Linh, Nguyễn Trãi mời đón xa giá, Vua bèn đến chơi chùa Côn Sơn là chỗ ông trí sĩ. Vua nghe tiếng Thị Lộ có nhan sắc lại có văn tài liền triệu cho làm Lễ-nghi-học-sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi Đông tuần, xa giá về đến vườn Lệ chi xã Đại-lại huyện Gia-bình thì mắc bệnh, rồi mất. Ai nấy đều nói Thị Lộ giết vua bắt nàng giết đi và tru di cả họ Nguyễn Trãi.

Định Còm:

- Mày có giầu "xìn" không? Cần độ dăm bảy chịch thì đủ.

- Nhiều thế? Tao làm gì có!

- Gì mà nhiều! Lên đấy cũng phải làm một chầu giải khát nữa chứ!

Thày giáo:

- Trở lại bài Gia Huấn chúng ta đương học đây thì... Ồ, Định!

Định ngồi yên lẩm bẩm:

- Gì mà cứ gọi luôn! Sao hôm nay lão này "trù" mình dữ thế" Thôi đi bố, giảng văn thì cứ việc mà giảng, kệ mẹ người ta nói chuyện có được không?

 Thày giáo thấy Định đã không đứng lên, còn ngồi lẩm bẩm như có ý xược với mình, thì không nén nổi cơn giận. Thày vẫn nghĩ : cái nghề dạy học nó đã đơn bạc chẳng ra gì, suốt ngày gào rát cổ bỏng họng chỉ mong cho học trò được trở nên giỏi giang đức hạnh là mừng, nó cũng hả cho cái công dạy dỗ. Thày không hề phàn nàn bao giờ và ngày nọ qua ngày kia thày vẫn sống kiên nhẫn với lương tâm một ông thầy.

Thế mà bọn trẻ, có những hạng tuổi trẻ như Định Còm kia thật đã làm cho thày héo gan héo ruột. Học không buồn học, còn quấy rối cả trật tự trong lớp. Của này lớn lên, chẳng biết rồi sẽ làm được gì hữu ích cho gia đình xã hội? Cứ nghĩ thế mà thầy thấy xót xa lo lắng cho trò, băn khoăn cho tương lai của đất nước. Nhiều lúc bực mình toan thây kệ chúng, đứa nào muốn học thì học, nhưng rồi thày lại không thể để mặc chúng thế được. Đành phải nói:

- Anh Định, sao tôi gọi anh không đứng dậy?

Định Còm lẩm bẩm:

- Ừ, nào thì đứng!

Hắn khoanh tay trơ trẽn nói to:

- Thầy bảo gì?

Thày An giận quá run cả giọng:

- Từ nãy đến giờ tôi gọi anh lần này có đến lần thứ ba chỉ để bảo anh ngồi yên mà nghe tôi giảng bài. Vậy mà anh không chịu ngồi yên, làm phiền cho cả người bên cạnh.

- Em làm gì đâu?

- Anh không làm gì! Nhưng anh cũng có ngồi yên nghe giảng đâu? Tôi đã giảng những gì anh có thể nhắc lại được không? 

Trên bàn con gái nhiều người quay lại nhìn, cười khúc khích. Định đỏ mặt, đâm nói hỗn:

- Bài này em không cần học!

Thầy An giơ hai tay lên trời:

- Học hay không học là tùy anh. Cũng như tương lai anh sau này hay, dở là tùy ở anh vậy. Nếu anh không cần học, anh ra ngoài kia, để cho người khác học.

Định đứng ngẩn mặt, rồi tự ái (!) nổi lên, hắn vênh váo:

- Ô-kê!

Hắn bảo Thất:

- Mày mang sách về cho tao nhé.

Rồi hắn rời khỏi ghế bước ra ngoài.

Thầy An toan gọi giật hắn lại, bợp cho mấy cái, về cái tội hỗn xược của hắn, nhưng thầy chợt nghĩ đến cái nghề giáo của mình : cao quí nhưng cũng thật là đơn bạc, đến lũ thiếu niên đang ngồi trước mặt, mà tương lai của chúng liên hệ đến tiền đồ của Tổ quốc mà ngao ngán. Thầy đành thở dài, cầm sách lên cố nuốt nghẹn ngào để giảng cho xong bài Gia-huấn.


Hà Châu    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 76, ra ngày 1-9-1967)



Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Học Trò Ngôi Trường Mới

Em có ngôi trường mới
Cho niên học cuối cùng
Tựu trường mùa thu tới
Lòng vương chút bâng khuâng

Ngôi trường xưa cổ kính
Mái ngói đã rêu phong
Hàng cây hoa giấy tím
Nở trên cành nhiều bông


Đưa em vào ngày tháng
Ở ngôi trường trang nghiêm
Làm học trò buổi sáng
Chừng lạ bước đầu tiên
 
Có bạn bè mới nữa
Lúc đầu chẳng biết tên
Và thời gian lần lữa
Rồi cũng sẽ thân quen


Thầy giáo mới lớp học
Dạy ở trường nhiều năm
Trên đầu hai thứ tóc
Mắt thoáng buồn xa xăm


Trang đầu tập vở mới
Chép bài học đầu tiên
Ngượng ngùng trong lời nói
Với bạn bè ngồi bên
 
Chim mới chừng bỡ ngỡ
Thương yêu nào xa xưa
Về những ngày tháng nhớ
Ở ngôi trường quen xưa


                           TRANG VY
                     (Bút nhóm Hoa Nắng)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 168, ra ngày 1-1-1972)

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Căn Nhà Ngôi Trường và Mùa Thu Trở Về



Một ngôi trường, mùa hè thi vị có hoa phượng nở đỏ rực, tuổi thơ là những gì ngọt dịu êm đềm. Dưới đám lá nhỏ mịn và xanh, hoa phượng nở lưa thưa, xinh xinh, khoảng thời gian đó, trường học đóng cửa – dĩ nhiên – tôi trở về nếp sống bình thường bên mẹ và chị Duyên – vì tôi ở nội trú – sau khi dự buổi tất niên nhỏ ở lớp.

Nhà tôi không mấy giàu, miếng đất sau nhà khá rộng vì phù sa năm bảy năm bồi đắp, mẹ tôi và chị Duyên ra công cày, cuốc, bây giờ miếng đất ấy trở thành một mảnh vườn khá rộng và xinh xắn, một hàng dài dừa xiêm non mua gốc tận bên kia giòng An Cựu, mấy bụi trầu xà lẹt lá vàng và um tùm, một khoanh đất trồng rau cải, mồng tơi, mướp khía, mướp hương, vài giàn bí đao trái to bằng hai cái bắp chân của tôi.

Ngay dưới gốc hàng dừa – vì đất xốp mẹ tôi thuê thợ đào cái mương dài thông ra sông để thả bèo và nuôi vịt, chính con mương ấy đã ngăn “phần đất riêng” của tôi với mẹ tôi.

Bên đây mương, mẹ tôi rào cho tôi bằng các phên tre mắt cáo, chỉ chừa một lỗ to ở chỗ đất trống để vịt có đường đi vào chuồng mỗi tối mà không phá hại chi đến cây cối của tôi.

Các thứ cây tự tay tôi trồng rất yếu ớt, và lèo tèo, một cây phượng xinh – nhưng chưa có hoa – một cây mãng cầu non, một vài bụi hành ngò và ớt, và mới có thêm bụi lựu đang đơm hoa đỏ rực. Mỗi sáng, tôi thức dậy sớm, đi ra sau nhà tưới cây, lu nước mưa ở góc vườn, cái gáo dừa cũng ở đấy, cây của tôi tràn đầy sức sống, và cũng mỗi ngày, tôi ngắm từng cái lá non mới nhú, từng cái hoa mới mọc, tôi đã bỏ bao nhiêu thì giờ, tỉ mỉ vạch lá xem một con sâu, một cái trứng ruồi, cắt, xén công phu, như những cụ già ngày xưa chơi kiểng, tôi phải ví công việc ấy, sự săn sóc đầy thương yêu ấy như tình mẹ, vì nguồn vui, tôi đã đặt hết vào đám cây trái ấy.

Mùa hè là những gì vui vẻ nhất tích tụ lại trong khoảng đời êm vui của tôi, thỉnh thoảng ra chợ với chị Duyên là tôi có dịp ăn quà thỏa thích, con gái là chúa ăn quà vặt, ăn bớt tiền chợ, tôi đã tự hào bao lần, tôi không phải là con gái, nhưng ra chợ, thì tôi lại sướng mê tơi, ăn luôn mồm, ăn sướng miệng, quên mất câu “đường đường một đấng nam nhi…” mẹ dạy, và có dịp gặp anh hề bán thuốc đau răng, giọng nói có duyên như con gái của anh ta pha hề thì không chê vào đâu được.

… Lúc ngày còn đi học, cuối giờ, tôi trốn khỏi phòng nội trú, đi lang thang trên con đường không tên dài hun hút, u ám. Con đường không một tia nắng lọt qua, thấm đến lớp lá nhỏ mịn màng, êm êm và héo mục dưới chân. Về mùa thu, hai hàng cây phượng trơ cành gầy guộc, khẳng khiu không lá. Tôi thơ thẩn, lặng lẽ, con đường dẫn đến một khu vườn trồng chôm chôm, vườn chôm chôm có rào nên tôi chỉ dám đứng ngoài dòm ngó chứ không dám leo trèo, con trai chi mà yếu xìu, tôi đã từng phê bình gắt gao tôi như vậy – thỉnh thoảng có một vài trái chin rụng, tôi nhặt lấy bóc vỏ ăn ngon lành. Đến đầu mùa xuân, hai hàng phượng trổ lá xanh non và mùa hạ đến, hoa phượng nở đỏ chói, gay gắt dưới ánh nắng, đầy hy vọng như lòng tôi.

Mưa kéo về bất chợt, lá cây mục nát hòa với màu đất nâu sậm, bốc lên có mùi quen thuộc. Và rồi hoa phượng, mùa Thu dần dần đến… Tôi vẫn vô tư, và đâu biết đang có “một biến cố” lớn xảy ra trong quãng đời êm đềm ấy! Ở dưới này không có trường trung học, và tôi phải lên tỉnh. Đối với tôi, cái “nước Sàigòn” sao mà lớn thế, và tôi buồn không cùng.

Ừ nhỉ! Tôi sẽ mất những gì tôi hiện đang có, tôi không còn thấy ngôi trường, con đường không tên này, cả ngôi nhà và khu vườn thân yêu này, cả mẹ và chị Duyên nữa, những vật, những người thân yêu của tôi ơi! Tôi sẽ phải đi xa, không biết bao giờ sẽ trở về, tôi chỉ mong những gì có bây giờ, vẫn tồn tại ở mai sau, tôi cầu mong đừng có gì thay đổi, có lẽ nó là “một biến cố” quan trọng không kém biến cố tôi đang gánh chịu. Giã từ… giã từ và mong ngày tái ngộ…

Dĩ nhiên, bao giờ tâm hồn tôi cũng ăm ắp những kỷ niệm, và chuyến đi tuổi nhỏ ấy, cho đến bây giờ và có lẽ tôi không dám chắc chắn vì thời gian… cả về sau nữa, tôi sẽ không quên biến cố ấy.

Chị Duyên bây giờ đã có chồng, chồng chị là một trong những anh quân nhân đồn trú ở An Thành, có dịp đi qua nhà, và quen biết nhau từ đấy. Ngôi trường cũ đã xây kiểu khác, con đường không tên không còn nữa, nhà cửa san sát với nhau, không còn một chứng tích của ngày xưa.

Chỉ riêng giòng An Cựu vẫn chảy lờ đờ, không reo vui khi người xưa trở về. Mẹ tôi tóc thêm bạc trắng, vẫn vui bên đám cây trái của ngày xưa. Cây phượng, cây mãng cầu, bụi ớt, bụi ngò, và mẹ tôi : những nhân chứng nguyên vẹn và trung thành.

Tôi dìu mẹ tôi ra ngồi bên hiên, dưới hàng trầu xà lẹt già cỗi.

Mùa Thu đang về trên cao, tôi mỉm cười. Và tôi nũng nịu gọi mấy tiếng mẹ, mẹ.

Mẹ tôi cười, xỉa tay vào trán tôi:

- Mày làm như là con nhỏ nhít lắm vậy.


THƠ THƠ  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 6, ra ngày 19-9-1971)


 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>