Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

CHƯƠNG BỐN_GIỌT SƯƠNG TAN


CHƯƠNG BỐN


- Lớn lên anh sẽ làm gì?

- Chưa biết, còn em?

- Em í à…

Trang ngẫm nghĩ một chút, đôi mắt con bé thả trên trời có nhiều mây trắng đuổi nhau rong chơi, bờ môi hồng mím mím. Như đã nghĩ được, con nhỏ cười mỉm:

- Nè anh, lớn lên em sẽ làm cô giáo.

- Hổng được đâu!

- Sao vậy anh?

- Em mà làm cô giáo, học trò nghịch phá cô giáo nói học trò không thèm nghe, khi đó cô giáo chỉ có nước ngồi khóc. Mỗi lần học trò đi học phải đem theo khăn lau nước mắt cho cô.

- Xí! Anh nhạo người ta hoài.

- Còn anh hổng thèm làm thầy giáo!

- Chứ anh thích làm gì?

- Anh sẽ viết truyện. Những truyện anh viết sẽ có thật nhiều nước mắt, và những khốn khổ bất hạnh của con người…

- Đọc truyện của anh, chắc em phải buồn và khóc hoài!

Trang vừa nói vừa xoay một vòng, nghiêng nghiêng đầu. Mái tóc dài đổ qua một bên. Con bướm màu hồng đậu trên tóc như muốn bay lên, vì cơn gió nhẹ lướt thướt đi qua, một vài cành hoa hồng cạnh Vũ lay lắt. Con bé cười:

- Không có má ở nhà vui hén anh?

Mấy hôm nay má đi Huế thăm người bà con. Trang thấy trong nhà vui, không như mọi hôm có má ở nhà. Ba cũng thường hỏi đến anh Vũ ; những tối không có má ở nhà, anh Vũ và Trang xoay quanh ba, nghe ông nói chuyện, hoặc bày ra những trò chơi. Không khí thật rộn ràng. Vũ ngước lên nhìn em:

- Còn mấy ngày nữa má về?

- Hai ngày nữa anh.

Vũ nằm soài người trên bãi cỏ. Đôi mắt sáng vương một chút buồn:

- Má đi Huế vô thế nào cũng mua kẹo cau, mè xửng cho em, mua mấy chiếc nón lá bài thơ cho mấy dì.

Trang ngồi xuống cận chỗ anh, chiếc áo đầm xòe ra, che một khoảng cỏ rộng, bàn tay vân vê đuôi tóc thắt nơ bươm bướm.

- Nón lá Huế đẹp ghê hén anh? Nó mỏng manh, nó nhẹ nhàng. B6en trong được lót hình chùa Thiên Mụ, hình cầu Trường Tiền với sông Hương, lót những câu thơ bên trong hay chi lạ: “Cầu Trường tiền sáu vài mười hai nhịp. Thương nhau rồi xin kíp về mau ; kẻo mai tê bóng xế qua cầu…” dễ thương như mấy cô gái Huế trường Đồng Khánh, chiều tan học như bướm trắng lượn qua cầu Trường Tiền bay về Gia Hội, xuống Đông Ba. Em sẽ nói với má biếu cô Hạnh một chiếc. Phải như em lớn bằng dì Hường, bằng chị Thu, em sẽ bận áo dài trắng, để tóc dài ngang lưng, đội chiếc nón bài thơ đi học.

Nghe em nói tía lia, ra bộ tịch trông tức cười, Vũ ngồi nhỏm dậy nheo mắt:

- … Và khi đó em sẽ không ưa khóc như bây giờ.

- Cái anh này cứ nhe người ta mà chọc hoài hè.

- Ai biểu em khóc làm chi?

- Có ai biểu đâu, tại tính người ta như vậy chứ bộ.

Vừa nói, mặt con nhỏ bự như cái bánh bao, mặt gầm cúi xuống bãi cỏ.

- Hổng muốn nói chuyện với anh một chút nào hết.

- Thiệt hôn?

- Chứ bộ giả sao?

Trang đứng lên định bỏ đi. Thoáng thấy ngoài cổng có bóng người, mặt con nhỏ đang chù ụ, bỗng tươi tắn, chạy nhanh ra nói lớn:

- Anh Vũ ơi! Chú Duy về!

Vũ mừng quýnh, chạy bay ra ngoài. Chú Duy đứng đó cười với Vũ. Lâu quá, hình như hơn một năm rồi, chú không đổi khác gì hết, có vẻ còn khỏe hơn lúc trước và nước da chú sạm đen như tượng đồng. Trang xoắn xuýt bên chú. Vũ nắm lấy tay chú vào nhà. Bàn tay chú nhiều chỗ nổi lên những cục chai cứng. Vừa bước vào nhà Vũ hỏi ngay:

- Chú về lần này chừng nào đi?

Nhìn Vũ, chú cười:

- Ít ngày thôi!

Trang chen vào:

- Sao chú hỏng ở chơi lâu lâu á?

- Làm sao mà ở lâu được! Chú chỉ có ba ngày phép thôi!

Buổi tối trong nhà đông đủ, chỉ trừ có bà Hậu đi Huế chưa vô. Trang, Vũ thấy thiệt là vui. Bà và chú ngồi nói đủ thứ chuyện. Con nhỏ Trang lém lỉnh thường hỏi chú về những trận đánh mà chú đã dự. Nếu chú Duy đừng đi lính, ở đây hoài chắc Vũ sướng lắm. Những gì Vũ không biết, hỏi chú là được trả lời ngay. Ở nhà này Vũ không dám hỏi ai hết, còn con nhỏ Trang thời không biết cóc khô gì. Chú đánh đờn cũng hay ghê, chú nói khi nào rảnh sẽ chỉ cho Vũ. Nếu biết đánh đờn, chiều chiều Vũ rủ nhỏ Trang, nhỏ Mận lên đồi đánh cho hai đứa nghe. Khi đó chắc đôi mắt con nhỏ Mận tròn xoe nể Vũ ghê lắm. Nhưng người ta đâu cho chú Duy ở nhà, người ta bắt chú Duy đi đánh nhau hoài. Cũng như Vũ đâu thích ghẹo phá ai, đâu thích gây sự với bọn thằng Hợi. Vậy mà bọn nó cứ chọc hoài, thiệt là kỳ.

Trang thấy chú cười, con nhỏ đi lại ngồi trên thành ghế cạnh chú Duy.

- Chú nói với ba con đi chú!

Vũ không hiểu em muốn nói gì mà lại nhõng nhẽo với chú như vậy. Vũ thấy chú ngồi trầm ngâm đốt điếu thuốc khói bay lên đặc sệt. Nhìn ba, giọng chú trầm xuống:

- Hồi sáng, Trang có kể tui nghe chuyện thằng Vũ. Nãy giờ tui cũng định có dịp thuận tiện nói với anh. Nghe cháu bị hất hủi tôi buồn lắm, không hiểu anh nghĩ sao lại để cháu phải như vậy. Ngày trước mới về, chị tỏ ra thương yêu thằng Vũ lắm, nhưng bây giờ chị đổi khác nhiều. Thiệt chị ấy tệ hết sức, đáng lý ra chị phải thương cháu Vũ nhiều hơn đứa nào hết. Anh phải lo lắng thương yêu, bổn phận của một người cha đừng để đầu óc nhỏ nhoi của nó ăn sâu sự bỏ rơi của gia đình.

Nghe chú nói với ba như thế, Vũ ngồi lặng yên nhìn xuống nền gạch. Con nhỏ Trang thiệt là thèo lẻo, nói với chú làm gì những chuyện không hay đó. Để trong nhà đang vui bỗng dưng u buồn.

Ba không nói, ngồi yên nhìn ra bên ngoài, qua cửa sổ ướt sương màu trời đen không một ánh sao. Gương mặt của ba thật nhiều điều suy nghĩ. Mấy hôm nay không có má ở nhà, sao ba thương Vũ ghê đi! Ba thường hay nói chuyện với Vũ, bảo Vũ nên ăn thật nhiều! Má đánh đừng bỏ nhà đi dưới mưa mà bị bệnh, người cứ ốm tong, ốm teo mãi. Giọng nói của ba trầm ấm ngọt ngào.

Lâu rồi, mấy ngày hôm nay, ba mới nhìn lại những quyển tập Vũ học ở trường, những bản danh dự mà trường phát mỗi tháng cho học sinh đứng từ hạng năm trở lên. Vũ thấy ba thật hài lòng và vui.

Ba cũng thương Vũ lắm chứ! Nhưng một lý do gì đó ba phải cau có, khó chịu. Đôi lúc Vũ có ý nghĩ muốn cho má đi hoài để Vũ được ba thương thật nhiều. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua. Vũ thấy mình thật ích kỷ! Nêu như má đi hoài, ba và Trang sẽ buồn, khi đó Vũ chẳng vui gì.

Vũ xoay qua chú buồn buồn:

- Ba má vẫn thương con, không như con nhỏ Trang nói đâu chú.

Chú Duy không để ý gì đến câu nói của Vũ. Chú nhìn ba, tiếp:

- Tôi có ý định này về cháu, không hiểu anh có bằng lòng không?

Giọng nói của ba buồn rầu:

- Chú có thể cho tôi biết.

- Đầu niên học tới, anh nên gởi cháu vào học nội trú của mấy sư huynh La-San. Nơi đó cháu sẽ tìm được tình thương nơi những cậu bé đồng lứa tuổi, nhiều thời gian trau dồi đức dục và trí dục hơn. Anh nghĩ sao?

Nghe chú đề nghị với ba gởi Vũ vào nội trú học, Vũ không muốn xa nhà một tí nào hết. Vũ hồi hộp để xem ba quyết định ra sao. Nhưng Vũ không đợi lâu. Ba nói:

- Tôi đã nghĩ đến vấn đề gởi cháu vào nội trú từ lâu, nhưng vẫn còn chần chờ cho đến nay vì thấy con hãy còn nhỏ quá, xa gia đình sợ nó buồn mà bỏ bê việc học chăng? Hết niên học này cũng không muộn.

Như thế là ba đã bằng lòng, cùng một ý nghĩ với chú đưa Vũ vào nội trú của trường lớn. Những năm còn ngồi bậc tiểu học, Vũ cứ mong sao cho học hết năm để làm một người học trò lớn, vào lớp để được nhiều thầy cô dạy. Nhưng năm nay vào lớp lớn rồi, Vũ mới thấy nhạt nhẽo làm sao. Vũ thèm, Vũ thấy những giây phút hân hạnh được thầy gọi lên bảng sửa một bài toán đố, được thầy nhờ ôm chồng tập để thầy đem về nhà chấm điểm. Mỗi lần một vài tiếng xì xào trong lớp, đuôi mắt nhiều nếp nhăn xếp lại, qua cặp mắt kính trễ trên sóng mũi, giọng thầy yếu ớt vì tuổi già trách nhẹ. Hoặc làm bài xong, ngồi xếp vở lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nhìn một vài cánh én bắt đầu dời tổ ra đi, vì mùa đông mang lạnh đến. Bây giờ làm học trò lớn, Vũ thấy gần mất hết những giây phút đó. Ngôi trường đồ sộ chừng nào càng làm những thứ yêu thương nhỏ nhặt đó mất đi càng nhiều. Hết niên học này, Vũ sẽ xa gia đình, xa con nhỏ Trang hay khóc, con nhỏ Mận hiền như cục đất, xa mấy thằng bạn nhỏ lớp Đệ Thất… chắc Vũ sẽ buồn ghê lắm!

Những ngày phép của chú Duy, Vũ và Trang đã quấy rộn chú thật nhiều! Đi học thì thôi, về đến nhà là gần như không một phút nào rời chú ra được. Trang bắt chú dạy hát bản “Đồi Thông… Ngồi trên đồi vắng, bên gốc cây thông già… nhìn theo giòng suối trôi dưới chân đồi. Vào đồng xanh ngắt, xanh như tấm thảm nhung mềm…” Giọng hát của Trang buồn buồn như gió chiều đi về trên đồi. Còn Vũ thích nghe chú kể chuyện “Guy-li-ve” lạc vào xứ người “chim chích” ; chuyện “Vô gia đình”. Cái gì chú cũng chìu cả.

Từ hôm chú dạy Trang hát, con nhỏ không thích làm cô giáo nữa. Trang hỏi Vũ:

- Anh thấy em hát hay hôn?

- Hay!

- Thiệt hôn?

- Thiệt!

- Chắc hén?

- Chắc!

- Né anh! Lớn lên em hỏng thèm làm cô giáo đâu!

- Sao vậy?

- Làm cô giáo hỏng ai thèm khen hết hà!

- Chứ em muốn làm gì?

- Làm ca sĩ!

- Thôi, em đừng làm ca sĩ, mấy cậu học trò sẽ tiếc hùi hụi cho mà xem, vì không có một cô giáo dễ thương như em dạy chúng.

Trang chắp hai tay sau lưng lắc người đong đưa, con nhỏ tươi cười như nụ hoa hồng:

- Anh à, em làm hai thứ luôn được hôn? Vừa dạy học, vừa hát cho học trò nghe.

- Học trò lại càng thương cô giáo hơn.

Vũ vui lây với niềm vui của em, trong đầu óc nhỏ nhoi khung trời hồng sáng dệt đầy.

Trước ngày đi, chú Duy dẫn Vũ ra chợ mua cho Vũ hai chiếc áo ấm màu xám trông thật đẹp, Trang một chiếc áo màu tím hao cà. Như vậy là đứa nào cũng có hai cái để thay đổi. Trang đã có sẵn chiếc áo màu hồng má đan cho. Trên đường về nhà, chú hỏi:

- Có khi nào ba dẫn Vũ đến thăm mộ má không?

- Chưa khi nào hết chú!

- Bây giờ Vũ muốn đến thăm mộ của má không?

Từ nhỏ đến giờ Vũ không biết má nằm ở chỗ nào, không biết gương mặt má ra sao? Chắc má hiền lắm! Nếu má còn sống, má không la rầy, không đánh đập. Má sẽ gọi Vũ hai tiếng “Con ơi” thật dịu dàng, ngọt lịm như miếng đường trắng phau vuông góc bỏ vào miệng. Không như má của Trang, của Vũ hiện thời. Như con Mận được má nó thương ghê. Sáng bán xôi, chiều bán chè để nuôi mấy đứa con, và con nhỏ đi học. Kông có một người mẹ nào ghét bỏ con cái hết. Có lần Vũ thấy con gà mái ở nhà, dắt theo một đàn con lúc nhúc mới nở đi vòng quanh sau vườn tìm thức ăn. Bỗng một cón chó từ nhà hàng xóm đi qua, thấy đàn gà con liền rượt đuổi, mấy chú gà con oác oác. Gà mẹ đôi mắt hiền lành bỗng giận dữ cánh quạt phành phạch, vè quanh trước mặt chú chó hàng xóm, làm cho chú ta bỏ chạy một nước. Vũ thèm, Vũ ao ước một người mẹ thương yêu che chở như thế.

Vũ buồn buồn:

- Chú dẫn con đến thăm mộ má cho biết đi chú?

Lẽo đẽo theo chú qua nhiều con đường vắng người, hàng cây sung ủ rũ, lảo đảo theo gió. Những viên đá cạnh nhẵn nằm ngay ngắn thẳng hàng. Một dãy tường cao quá đầu người. Rêu như nhung xnah phủ bên trên ; một vài chỗ đá lở xám xịt. Mây là đà trắng màu bông gòn ; trắng như mảnh vài chít lên đầu chú bé con ngồi trong xe tang ló đầu ra ngoài. Mặt chú bé ráo hoảnh, bàn tay nhỏ nhắn rờ lên đầu, không hiểu người ta chít lên đầu mình làm chi. Ủa! Sao mấy cô, mấy dì, mấy anh, mấy chị lại khóc? Sao má lại nằm trong cái thùng vàng lưởng, nến cháy một hàng dài bên trên. Xe tang đi vào một cánh cửa lớn, người ta khiêng cái thùng vàng lưởng để má bên trong bỏ xuống đất lấp lại. Chú bé con trở về nhà thấy vắng má, từ đó, giọt nước mắt trong ánh sáng mới biết chảy xuống. Vũ không hiểu cậu bé một lần Vũ gặp có buồn như Vũ bây giờ không? Cậu bé có trở lại thăm chỗ người ta để má bên dưới lấp đất lại không?

Chú Duy dừng lại trước cửa nghĩa trang. Nơi đây có một bà lão bán hoa, hoa chỉ có hai loại màu trắng, tím. Chú mua cho Vũ một bó hoa trắng, có những bông nhỏ xoắn xuýt nhau trắng toát.

Bên trong những ngôi mộ được xây thật đẹp, hai hàng chạy thẳng tấp. Mùa thu gần hết, nhưng lá vàng vẫn còn rải rác trên mộ bia. Đi tìm một chút, chú Duy ngoắt Vũ lại. Đứng trên một ngôi mộ xám, giọng chú trầm xuống:

- Mộ của má con!

Vũ đặt bó hoa trắng nhỏ lên phía trên ngôi mộ, ngồi thụp xuống nơi tấm bia ghi tên, ngày tháng của má chết. Bên trong tấm kính mờ mờ vì bụi đất, Vũ thấy tấm hình của má. Tấm hình đã đổi thành màu vàng, nhưng hình hãy còn rõ lắm!

Chú ngồi xuống cạnh Vũ:

- Con hãy cầu nguyện cho má!

Vũ biết cầu nguyện gì cho má đây? Vũ nhìn sừng sững tấm bia đá rêu sạm. Má chết đi, linh hồn của má bay lên thật là cao, cao mãi trên bầu trời nhiều sao, những ngôi sao lấp lánh màu ngọc thạch. Má đang ở trên một vì sao nào đó, sáng nhất! Má hiền dịu như những bà tiên trong chuyện cổ tích! Mặc dù nghe từ nhỏ, nhưng đến giờ Vũ không quên được. Bầu trời lạnh nhiều sương, má ở trên một vì sao caoq úa, Vũ không thấy gì hết!

Tấm hình của má được lộng trong tấm bgia mờ vì bụi đất, tấm hình của má không vui, nhòa nhòa buồn bã! Vũ tưởng chừng như có vài giọt sương đọng trên đôi mắt má. Nhìn Vũ, má khóc, nhìn má, Vũ rơm rớm nước mắt. Đôi mắt má buồn như nghĩa trang chiều nay vắng lạnh.

Chú Duy hỏi:

- Vũ có thương má không?

- Có!

- Vũ thương má, Vũ phải ráng học. Năm sau vào nội trú Vũ càng phải cố gắng hơn, để cho chú và ba được vui. Má dù chết rồi nhưng lúc nào cũng ở bên Vũ, thấy Vũ như vậy chắc má hài lòng lắm.

Trên đường về, chú kể cho Vũ nghe thật nhiều chuyện về má. Gia đình bên ngoại giàu có lắm. mấy cậu mấy dì không ai bằng lòng ba, vì ba nghèo. Ba vừa đi làm, vừa lo cho chú đi học. Đám cưới của ba má thật nghèo nhưng tràn đầy hạnh phúc. Sau những ngày túng quẫn đi qua, cuộc sống sung túc đến với má, nhưng số phận thật khắt khe đưa má đi sớm trong khi Vũ chưa đầy hai tuổi. Chú còn kể hồi đi học làm gì có tiền để tiêu những thứ lặt vặt, hay xem ciné với chúng bạn. Chú thường bồng Vũ đi chơi đâu đó một lát, về đến nhà là má đã để dành cho chú một số tiền nho nhỏ đủ tiêu cả tuần.

Sương chiều xuống lạnh. Bàn tay Vũ trong bàn tay chú ấm áp. Nhìn ra con đường vắng hút dài, Vũ hỏi:

- Mai chú đi hả?

- Ừ, mai chú đi sớm.

- Sao lần nào chú cũng đi lâu ghê?

- Chú ở một nơi xa lắm!

Mỗi lần chú về thăm đôi ba ngày lại đi thật lâu, nhiều khi một năm mấy chú mới về một lần. Phải như chú ở một nơi nào chắc chắn, Vũ sẽ nói ba khỏi cần học nội trú, đến ở với chú đi học cũng được. Vũ:

- Phải như chú về hoài thì vui biết mấy.

Chú Duy cười buồn:

- Làm sao chú về thường được, một năm chú mới có mấy ngày rảnh, hên lắm chú mới kiếm được một vài cái phép ngoại lệ. Khi nào chú có gia đình rồi, chú sẽ đem Vũ về ở đi học.

- Chú đem luôn con nhỏ Trang nữa nghe chú?

- Nếu con nhỏ thích đem theo luôn!

Từ xa, Vũ đã thấy chiếc áo len màu hồng của Trang đứng trước cửa nhà đợi. Vũ chạy trước về nhà.

Thấy anh và chú, từ xa con nhỏ nhoẻn cười nhưng khi anh đến gần con nhỏ giả bộ mặt buồn hiu:

- Anh và chú đi chơi bỏ em ở nhà một mình hè.

Vũ đưa cho em gói giấy trong đó có chiếc áo len màu tím chú mua cho. Trang mở gói giấy, chiếc áo màu tím dễ thương ghê nơi đi. Con bé nhìn anh, mặt không còn buồn hiu nữa. Bên má, một khóe đồng tiền tròn vo, cười cười không dứt. Vũ nghe hình như có tiếng chim hót bên kia ngọn thông. Gió lạnh thổi về, Vũ kéo cổ áo lên cao.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>