Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Được Trọn Niềm Vui


Tiếng đàn thật buồn trong những bản nhạc cổ điển tây phương. Những ngón tay mềm mại Nghĩa đặt nhẹ lên từng khoảng phiếm rồi những âm thanh buồn não nuột loang êm trong khoảng vắng bao la. Tôi ngồi bất động lắng nghe. Tôi trộm nhìn thấy Nghĩa thật buồn qua ánh mắt. Hồn tôi, hồn Nghĩa như chìm sâu trong tiếng nhạc. Tôi nhìn ra ngoài, ánh trăng mập mờ, gió thổi nhẹ và những cành khuynh diệp lao xao. Những nốt nhạc cuối cùng hòa âm ngân dài kết thúc một bản nhạc, tôi bỗng nuối tiếc, những âm thanh tuyệt vời bây giờ đã đi về đâu. Tất cả đều tan biến thật nhanh... làm sao lấy lại được. Tôi mỉm cười khi chợt thấy ý nghĩ mình thật vu vơ. Tôi định nói với Nghĩa điều gì nhưng tôi lại thôi. Nghĩa ngước lên nhìn tôi, nhưng cả hai đều thinh lặng. Hình như đêm đã về khuya, đồng hồ treo tường nhà ai buông chuỗi âm thanh dài lê thê. Tôi bỗng thấy thật buồn, tôi nhìn xuống đôi chân tàn tật, mặc cảm bị thua sút thức giấc trong tôi. Hình ảnh Nghĩa trước mặt tôi nhạt nhòa và tôi nghe vị mặn mặn thấm ướt bờ môi. Tôi đã khóc như bao lần tôi đã khóc. Nỗi buồn nào thật bao la chiếm ngự hồn tôi. Nghĩa chăm chú nhìn tôi. Trong tia mắt Nghĩa tôi thấy mình lúng túng. Tôi cúi đầu. Gió từ đâu thổi về thật lạnh làm làn tóc dài đen mượt bay bay. Tôi đưa tay chải nhẹ những sợi tóc vương trên mặt. Giọng Nghĩa thật êm nhưng tôi cũng giật mình quay lại.

- Sao lại khóc vậy Hương?

Tôi không trả lời câu hỏi của Nghĩa và chỉ lắc đầu. Tiếng Nghĩa êm trầm rót vào tai tôi:

- Nghĩa làm Hương buồn phải không? Cho Nghĩa xin lỗi đi... Thôi đừng buồn nữa Hương...

Tôi nói với Nghĩa một câu thật vu vơ:

- Hương đâu có buồn như tiếng nhạc của anh...

Nghĩa yên lặng mỉm cười. tôi không biết tại sao Nghĩa cười. Tôi muốn hỏi Nghĩa... nhưng tôi không dám làm như mình muốn. Tôi lại nhìn xuống và nghe lòng mình buốt giá đắng cay. Vùng trời xưa diễm lệ ngọc ngà sống lại trong tôi. Ôi! Những con đường dài cây đổ bóng cuối chiều nắng nhạt từng bước chậm lang thang, mấy năm rồi thiếu vắng gót chân nhỏ tôi đi. Tôi vẫn còn nhớ có những hôm đi học về muộn nhìn thành phố lên đèn, nghe lòng mình xuyến xao len thật nhẹ để rồi bị ba la vì về trễ bữa cơm chiều. Cổng trường giờ tan học, những đàn chim áo trắng chắp cánh bay. Tôi nhớ con đường đến trường. Tôi nhớ khung cửa kính lớp học những buổi chiều mưa buồn trốn ánh mắt thầy, mơ mộng nhìn ra con đường vắng, đếm lá rơi... Kỷ niệm gợi lại sầu đau. Quá khứ thơm hương ngọt mật để hiện tại tràn ngập đắng cay. Một buổi chiều tai nạn bất ngờ đến với tôi. Tôi không còn là tôi, là Hương hay cười hay nói, nhưng tôi đã biến thành Hương sầu mộng âm thầm với chiếc xe lăn tay với đôi nạng gỗ. Hai năm rồi tôi buồn tủi trong bốn bức tường phòng riêng. Phòng tôi rất nhỏ nhưng tôi cảm thấy bao la và cô đơn trong sự bao la ấy. Các anh chị tôi lần lần xa lánh tôi. Ba mẹ tôi nhiều khi cũng lãng quên tôi vì các ngài phải lo lắng trăm thứ việc cần thiết. Thời gian giúp tôi quen với sự cô đơn buồn tủi. Cửa phòng tôi luôn đóng kín. Những chiều mưa tôi lăn xe ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Vài hạt mưa vương lên tóc. Vài hạt mưa len vào mắt rồi tôi khóc theo mây... Những buổi chiều như vậy thật cô đơn, thật buồn. Tôi đưa tay hứng những giọt mưa, lòng tay nghe buốt lạnh, cảm giác nào thật lạ, loang nhẹ toàn thân. Tôi lại khóc rồi tôi mỉm cười khi mắt đang nhòa lệ... Những chuỗi ngày lê thê kế tiếp. Có lẽ đời tôi sẽ là nỗi buồn đau vô tận. Quá khứ ngọc ngà gợi lại trong tôi bao nỗi nhớ. Hiện tại mặc cảm, buồn khổ dày vò. Tương lai mờ mịt tựa đêm tối bao la...

Một buổi chiều nào đó Nghĩa đến thật bất ngờ, có lẽ chỉ bất ngờ đối với tôi. Nghĩa đã nhóm lại trong tôi niềm vui đã từ lâu dập tắt. Tôi vẫn nhớ chiều hôm Nghĩa đến. Tôi gặp Nghĩa trước hiên nhà khi tôi đang ngồi nhìn những giải mây cuối trời sang màu tím. Theo lời ba tôi, Nghĩa là con bác Nhân, bạn của ba về đây xin trọ học. Tôi mỉm cười chào Nghĩa. Nghĩa làm quen với tôi thật nhanh ngay chiều hôm đó. Hình như Nghĩa biết tôi buồn nên kể cho tôi nghe đủ chuyện. tôi vui lắng nghe Nghĩa nói. Tôi lén nhìn Nghĩa... Có cái gì khác lạ đột nhập tâm hồn tôi từ giây phút ấy. Buổi chiều hôm đó xuống thật chậm...

- Hương... Hương...

Tôi giật mình quay lại.

- Hương đang nghĩ gì mà Nghĩa gọi không nghe?

Tôi lại lắc đầu. Hôm nay tự nhiên tôi cảm thấy thật buồn. Nghĩa ơi! Nghĩa! Hương sợ mất Nghĩa. Nghĩa đã cho Hương một niềm tin nhỏ bé để rồi làm Hương nuối tiếc buồn đau... Nghĩa! Nghĩa! Tôi gọi thầm tên Nghĩa rồi lại khóc. Những hạt nước mắt rơi xuống chỗ vết thương (dấu tích phân chia đời tôi làm hai "thế giới"). Có ai hiểu được nỗi lòng tôi? Tôi ngước mắt nhìn lên, trăng dần vào mây không gian mờ tối.

- Hương, thôi đừng buồn nữa Hương. Nghĩa đã nói với Hương vui lên đi... hãy mỉm cười chấp nhận và tin tưởng ở tương lai.

Tôi vẫn lặng yên. Tương lai của Hương là gì hở Nghĩa. Cũng như hiện tại... Chiếc xe lăn và đôi nạng gỗ. Làm sao vui được hở Nghĩa. Nghĩa đừng đánh lừa Hương và bày Hương đánh lừa mình. Nghĩa. Nghĩa. Bản nhạc nào buồn nhất Nghĩa hãy đánh lên để Hương nghe rồi Hương khóc và nước mắt sẽ không còn...

- Nghĩa muốn Hương tìm lại được niềm vui...

Nghĩa muốn, Hương muốn, nhưng trời không muốn Nghĩa ơi! Tôi nhẩm tính tuổi mình rồi thở dài, 17 tuổi. Tôi nghe hồn lịm chết. Nghĩa vẫn ngồi đó nhìn tôi thương hại. Nghĩa thương Hương bằng thương hại sao Nghĩa. Hương mong Nghĩa đừng như vậy. Nhiều người đã nhìn Hương bằng ánh mắt thương hại rồi họ lãng quên Hương thật nhanh. Nghĩa. Nghĩa. Hương đâu là gì Nghĩa nhỉ. Chỉ một người con gái tàn tật triền miên khổ sầu... Thôi, Hương không dám mơ ước cao xa. Được nhìn Nghĩa. Được nghe tiếng đàn Nghĩa thật buồn trong đêm vắng. Được nghe Nghĩa hát những tình khúc đáng lý Hương không được diễm phúc nghe. Như thế đã đủ rồi. Đành chịu vây... Tôi quay sang nói với Nghĩa:

- Bản nào buồn nhất Nghĩa cho Hương nghe đi.

- Để rồi Hương khóc à? Nghĩa không muốn nhìn Hương khóc... Thôi, đừng buồn nữa nghe Hương.

Nghĩa chơi một bản nhạc vui nhịp hai bốn. Điệu nhạc thật vui nhộn nhưng tôi vẫn buồn... Hình như Nghĩa nhìn tôi thất vọng... Tôi lại thở dài. Gió khuya thật lạnh, tôi khẽ rùng mình. Nghĩa đưa tay nhìn đồng hồ:

- Thôi về ngủ đi Hương, khuya rồi.

- Hương muốn thức trắng đêm...

- Không được... bác la chết... Để Nghĩa đưa Hương về phòng...

Nghĩa tay cầm đàn tay đẩy chiếc xe lăn tôi ngồi dọc theo hành lang tối. Bánh xe kêu kít kít. Tôi nghe tim mình đập mạnh khi hơi thở Nghĩa vô tình chạm vào làn tóc bay bay. Nghĩa đưa tôi vào phòng. Tôi cảm động:

- Cảm ơn Nghĩa nhiều...

- Có chi mà cảm ơn. Thôi Hương ngủ ngon nghe...

Tôi lắng nghe tiếng chân Nghĩa xa dần rồi mất hẳn. Tôi tắt đèn. Trong bóng tối tôi mỉm cười chua xót. Tôi làm dấu thánh giá. Chúa ơi! Sao con khổ vậy?

Lạy Chúa... Tôi cảm thấy được an ủi phần nào khi kêu cầu đấng tối cao... Tôi nằm yên nghe gió lùa qua khe cửa và tiếng lá lao xao sau vườn. Tôi thao thức, mệt quá rồi thiếp ngủ đi. Trong cơn mơ tôi vẫn còn tìm thấy Nghĩa...


Chiều nhạt nắng cuối thu bao giờ cũng làm tôi buồn đến khóc. tôi ngồi chờ Nghĩa trước hiên. Sao hôm nay Nghĩa về muộn? Tôi nhìn ra đầu ngõ trông ngóng... Tôi đặt ra nhiều câu hỏi vu vơ về sự về muộn của Nghĩa. Tôi lại buồn, nỗi buồn dường như rất lạ. Tôi ngạc nhiên về mình... Tôi bỗng vui mừng khi thấy Nghĩa về nơi cuối ngõ. Vẫn như thường lệ Nghĩa mỉm cười... Nụ cười đã hơn một lần làm tim tôi rung cảm nhẹ rồi lại đớn đau khi sực nhớ mình chỉ là cô gái tàn tật. Nghĩa đi vội vào nhà cất sách vở rồi trở ra đứng bên tôi. Tôi nói với Nghĩa bằng giọng dỗi hờn:

- Sao Nghĩa về trễ vậy... bắt Hương chờ mỏi mắt...

- Nghĩa ghé cô nhi viện có chút việc.

- Làm chi vậy Nghĩa?

- Hương biết may áo quần không?

- Sao Nghĩa không trả lời Hương, mà hỏi kỳ vậy?

- Bí mật mà...

Tôi lặng yên mỉm cười. Nghĩa nói với tôi bằng giọng nói thật vui:

- Hương thích làm những việc xã hội không?

Tôi chợt buồn khi vừa nghe câu hỏi của Nghĩa, tôi nói cho Nghĩa nghe ý tưởng đang hiện diện của mình:

- Hương như thế này còn làm được gì... Hương chỉ là người ăn bám...

Tôi bỗng nghẹn ngào không nói được nữa và tôi lại khóc. Hình như nước mắt tôi đã cạn nên chỉ có vài hạt vướng mi.

- Không đâu Hương... Hương vẫn có thể làm nhiều việc ích lợi cho xã hội nếu... Hương muốn... Việc làm và kết quả sẽ đem lại cho Hương niềm vui trọn vẹn...

Giọng Nghĩa thật ấm như tiếng nhạc rót vào tai. Tôi thấy Nghĩa cũng có lý. Tôi thấy vui vui nhưng niềm vui mong manh ấy đã tan nhanh khi tôi thấy vài tà áo trắng đi ngang, quá khứ trở về cho tôi nhiều nuối tiếc. Tôi nhớ con đường Quang Trung dài với những hàng cây lặng đứng đợi chờ. Tôi nhớ vườn Hội văn hóa Pháp có những con đường trải sỏi cong cong và những rừng cây rậm lá. Có những chiều nghỉ học tôi ngồi ở bậc đá nhìn ra sông lênh đênh kia chiếc thuyền trôi. Hình như đã hơn một năm tôi chưa lần ra phố. Tôi muốn nhìn lại những đường phố đi qua nhiều lần đã thuộc tên, muốn vào lại những tiệm sách quen vô... Ước mơ nhỏ bé, nhưng có lẽ không bao giờ thực hiện được... Tôi quay sang hỏi Nghĩa về thành phố mình đang sống (Thành phố này dường như đã vắng tôi):

- Phố bây giờ chắc đổi khác với ngày xưa, Nghĩa nhỉ?

Nghĩa mỉm cười:

- Ngày xưa thế nào Nghĩa đâu có biết... Phố bây giờ mọc thêm nhiều cao ốc mới... và người qua lại thật đông.

- Đường Quang Trung thế nào...?

- Vẫn dài... lẽ dĩ nhiên vẫn buồn vắng như khi Hương...

Tôi hiểu sao Nghĩa ngập ngừng, chắc Nghĩa sợ tôi lại khóc.

- À, Đà-Nẵng bây giờ các ngã tư đã có cột đèn xanh đỏ...

- Ủa!... Thế hả Nghĩa... khi trước đâu có.

Một sự thay đổi tầm thường làm tôi ngạc nhiên. Nếu tôi được ra phố bây giờ chắc tôi sẽ kinh ngạc trước nhiều thay đổi. Thành phố sẽ xa lạ như chưa lần quen biết. Chiếc ghế đá ở bờ sông tôi và Thúy, con bạn thân nhất, vẫn thường ngồi nhìn nước trôi bây giờ còn ở nguyên chỗ cũ hay đã bị dời đi...

Tôi và Nghĩa lặng yên. Tôi nhìn theo một chiếc lá rời cành và hồn tôi bỗng chơi vơi theo chiếc lá ấy.


Sáng chủ nhật hôm nay thật là buồn vì Nghĩa, không biết bận việc gì, đã ra đi từ sáng. Tôi vẫn ở trong phòng, ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài, nắng giải những tơ vàng óng ánh trên đỉnh cây đầu ngõ. Dường như trong trí tôi trống rỗng. Tôi ngồi lặng yên. Tôi thầm đếm những song cửa sổ... một, hai, ba, bốn... Đếm rồi tôi cũng không biết cửa sổ có bao nhiêu song, nếu ai có hỏi.

- Hương ơi! Hương...

Tôi vui mừng khi nghe tiếng Nghĩa, lăn nhanh xe về phía cửa:

- Nghĩa đi đâu về đó, hở Nghĩa?

Nghĩa mỉm cười. Tôi ngạc nhiên khi thấy Nghĩa ôm trên tay một xấp vải trắng. Dường như biết tôi thắc mắc, Nghĩa giải thích:

- Nghĩa đến Cô nhi viện về đây. Vải này Nghĩa đem về để Hương cắt áo cho các em trong cô nhi viện. Đó Hương thấy không, Hương vẫn có thể làm cái gì để giúp kẻ khác.

Tôi yên lặng mỉm cười. Nụ cười hiện diện trên môi như chưa bao giờ tìm gặp. Tôi sung sướng. Hình như đây cũng là lần đầu tiên tôi nói được như vậy. Khung cảnh cô nhi viện, trước đây một vài lần tôi đến viếng thăm hiện lên màn ký ức. Tôi thấy... thấy những gì tôi đã thấy : hàng trăm trẻ nhỏ nằm khóc trong nỗi bơ vơ đợi chờ... Trẻ mồ côi thì nhiều nhưng dì phước lại ít... Nghĩa ơi! Nghĩa, Nghĩa đã nhóm lên lòng Hương niềm vui trước đây chưa lần Hương tìm gặp. Nghĩa! Nghĩa! Tôi cảm động gọi tên Nghĩa, nhưng có lẽ Nghĩa không nghe vì chính tôi cũng không nghe tiếng gọi của mình. Nghĩa đưa tôi đến phòng khách nơi có chiếc máy may đặt ở góc phòng. Nghĩa đẩy xe lăn tôi ngồi đến cạnh chiếc bàn con rồi nói:

- Bây giờ Hương cắt áo theo kích thước đây (Nghĩa trao cho tôi tấm giấy ghi vài con số) và Nghĩa may rồi Hương kết nút làm khuy nghe.

Tôi ngạc nhiên:

- Nghĩa biết may à?

- Biết sử dụng máy may thì đúng hơn... mấy bà sơ mới bày cho Nghĩa.

Tôi lấy phấn gạch lên vải trắng. Lưỡi kéo theo đường phấn cắt tấm vải thành những chiếc áo trẻ em. Nghĩa đạp máy may chạy đều đều phát ra những âm thanh lạ tai. Vài chiếc áo đầu tiên đường chỉ vụng về, nhưng sau dần dần Nghĩa đã may được những chiếc áo đẹp hơn. Nghĩa thỉnh thoảng cúi xuống cắn múi chỉ và nhìn tôi mỉm cười. Tôi tự nhiên cảm thấy ngượng ngập trong ánh nhìn của Nghĩa. Tôi lặng yên ngồi tra nút và làm khuy. Từng múi chỉ từng đường kim trong yên lặng cho tôi một niềm vui sướng. Tôi trộm nhìn Nghĩa, Nghĩa mỉm cười, hình như Nghĩa vui mừng vì thấy tôi vui...

- Hương ơi, ở cô nhi viện có một bé gái 3 tuổi dễ thương lắm. Nghĩa nhận cô bé làm em... Gần tới mùa lạnh Hương đan cho cô bé chiếc áo len nghe.

- Dạ, nhưng cô bé tên gì vậy?

- Tên Uyên...

- Khi nào Nghĩa đưa Hương đến cô nhi viện thăm Uyên nghe.

- À để khi nào Nghĩa xin phép bác... hay là để Nghĩa vô xin phép sơ giám đốc rồi dẫn Uyên về đây chơi với Hương.

- Tôi mỉm cười:

- Nghĩa có cho Hương làm chị "ké" Uyên không?

- Cho là cái lẽ dĩ nhiên.

Tôi say sưa nghĩ về Uyên. Tôi thấy cô bé cười, cô bé nhí nhành hát những khúc ca vui tươi. Tôi mỉm cười tự nhủ: đời có nhiều lẽ sống, mình sẽ được hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc và tinh thần phục vụ đem lại niềm vui vô giới hạn. Tôi nghĩ đến chiếc áo len mình sẽ đan cho Uyên. Tôi sẽ nói Nghĩa mua màu len thật đẹp, nhưng mà biết lựa màu gì. Tôi nói cho Nghĩa nghe thắc mắc của mình.

- Nghĩa ơi! Áo len đan cho Uyên Nghĩa thích màu gì?

- Hương thích màu gì?

- Hương hỏi Nghĩa. Nghĩa lại hỏi Hương!

Tôi và Nghĩa bật cười thành tiếng. Nghĩa nhìn tôi thật lâu. Tôi chăm chú vào từng múi chỉ. Tôi nghe tim mình đập mạnh và hơi thở bồi hồi. Niềm vui trải nhẹ trong hồn tôi mênh mang bao la. Nghĩa đi qua hồn tôi để lại cho tôi những niềm vui trọn vẹn... Nghĩa ơi! Nghĩa xin cho Hương nói lời cảm ơn thành khẩn nhất. Nghĩa. Nghĩa. Tiếng máy may vẫn đều... Nghĩa bất chợt hỏi tôi:

- Được mấy chiếc rồi hả Hương?

- Được tám chiếc. Hương mới tra nút và kết khuy bốn chiếc. À, áo len cho Uyên Nghĩa chọn màu gì?

- Nghĩa thích màu xanh.

- Hương lại thích màu hồng.

- Thế thì đan phía trước xanh phía sau hồng.

Tôi bật cười thành tiếng:

- Thôi tùy Nghĩa màu gì cũng được.

- Nói rứa chớ tùy Hương chọn.

- Sao lại tùy Hương? Khi nào Nghĩa đi mua len? Hình như gần hết mùa thu rồi đó.

- Chiều nay... ngay chiều nay Nghĩa sẽ đi mua.

Tôi mỉm cười, nụ cười trọn vẹn niềm vui. Tôi đưa mắt nhìn qua cửa sổ, ngoài kia trời hôm nay ươm tơ nắng vàng tươi, gió thật nhẹ hàng cây trước nhà lao xao. Trời hôm nay đối với tôi như đổi mới, những đám mây mù tan nhanh nhường chỗ cho trăm giải mây hồng trôi lờ lững. Tôi mỉm cười rồi lén nhìn Nghĩa cặm cụi ở bàn may. Tôi nghe rung cảm nào thật lạ len nhẹ trong tim. Nghĩa ngước lên. Bốn mắt gặp nhau rồi lại mỉm cười.


NGUYỄN VÂN THIÊN   


(Trích từ bán nguyện san Ngàn Thông số 38, ra ngày 20-11-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>