Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018

CHƯƠNG BA_ĐÈN KHUYA


ba


Mấy ngày nay nhỏ Dung vẫn giận tôi về chuyện tôi bỏ về hôm lễ Phật-Đản. Tôi tìm Dung để làm hòa nhưng nó lánh mặt. Tôi cảm thấy buồn, thật buồn. Có mình nó là tri kỷ, hiểu tôi. Nhận được một câu chuyện vui, gặp một cảnh ngộ nghĩnh, tôi không biết kể cho ai. Những nhỏ bạn cùng lớp, cũng thân, nhưng sự cảm thông không đậm đà. Ngoài ra tôi cũng áy náy không hiểu anh Long có nói gì về tôi trong những ngày qua không? Chỉ có nhỏ Dung mới có thể cho tôi câu trả lời, nhưng giờ thì nó đã không thèm chơi với tôi nữa.

Chiều nay cũng như chiều hôm qua, hôm kia, tôi đến trường sớm cũng cốt ý tìm nhỏ Dung. Tôi đang lững thững dưới những tàn cây trong sân trường thì mấy nhỏ bạn cùng lớp cũng vừa tới. Một đứa cười, hỏi tôi:

 - "Vợ chồng son" giận nhau rồi à?

Tôi gật đầu xác nhận, nhưng khi nó hỏi nguyên do thì tôi lại nói dối là vì tối qua lúc về học tao không chờ nhỏ Dung nên nó giận.

Chúng nó rủ tôi lại phía sau chơi, lúc đầu tôi từ chối vì nơi đó thuộc khu vực nội trú của học sinh lớp ngày, nhưng sau nhỏ Thắm cứ kéo tay đi, tôi đành theo.

Nơi hồ tắm gió thổi lộng, làm tung bay những vạt áo dài. Chúng tôi đứng nhìn mấy chị lớp ngày đang đùa giỡn dưới nước. Không khí về chiều, tuy đã mát, nhưng chưa đủ làm dịu đi những tế bào căng nóng. Tôi đoán có lẽ đứa nào cũng thầm muốn được xuống tắm, bơi lội. Tuy nhiên tôi nhận thấy có vài người dưới hồ khó chịu về sự hiện diện của chúng tôi. Những ánh mắt, những cái nguýt dài hằn học như muốn xua đuổi chúng tôi. Một vài câu nói bóng gió bay vọng lên. Thật ra điều này không lạ, bởi vì đã từ lâu có một lằn ranh giới ngăn cách những học trò lớp đêm và học trò ngày, mặc dầu cùng sống dưới một mái trường. Họ vẫn gọi chúng tôi là "thứ ăn nhờ ở đậu". Những lần trước đây trong những buổi sinh hoạt chung, thường họ tránh hoặc rất miễn cưỡng làm việc chung với chúng tôi. Thái độ băng lạnh đến độ kênh kiệu của học trò lớp ngày làm chúng tôi tủi thân không ít. Mặc cảm nhú mầm trong thâm tâm của những con vạc ăn đêm. Buồn hơn nữa là đôi khi các thầy, cô vô tình đem so sánh học lực và hạnh kiểm giữa lớp ngày và lớp đêm. Dĩ nhiên là để trách chúng tôi. Tiếng "vạc ăn đêm" là của bà giáo sư sinh ngữ đặt cho chúng tôi đấy. Đầu niên học này, thầy Việt văn lại gọi chúng tôi là "những học trò đèn khuya". Thêm vào đó, nhà trường buộc chúng tôi, học sinh lớp đêm đeo phù hiệu mầu xanh lá cây để phân biệt với phù hiệu mầu đỏ của lớp ngày. Cái gì cũng phải khác, phải rõ rệt, phải cách xa. Với tôi, những thứ đó như để gợi nhớ một thân phận, như để nhấn mạnh một vị trí, một cách biệt. Mầm mặc cảm gặp đất tốt lớn mạnh hơn. Nhiều lần tôi muốn khóc để làm vơi những ấm ức đan rối trong tâm hồn. Buồn. Nhỏ Dung nói với tôi hơi đâu mà tức, mà buồn ; đâu có phải tất cả học sinh lớp ngày đều vậy, chỉ một thiểu số thôi, vả lại mình có ăn đời ở kiếp ở đây đâu mà sợ, rán hai năm nữa là xong chứ gì. Thì tôi vẫn lấy tương lai để làm nhòa nhợt hiện tại sỏi đá đó ; không chỉ trong chuyện này mà nhiều lãnh vực khác cũng vậy. Nhưng nào mình được sống trong thế giới riêng của mình ; người ngoài cứ lôi tôi ra khỏi vùng bóng mát để bắt hiện nguyên hình dưới ánh sáng chói chang của thực tế.

Chiều nay, những người bạn cùng trường với tôi lại một lần nữa làm rơi rụng những trái xanh trong tôi. Tôi nói mấy nhỏ bạn thôi đi về tụi bay, đừng thèm đứng ở đây làm gì ; tao nóng mặt rồi đó.

Chúng tôi thả bước trở về phía sân. Riêng nhỏ Thắm, nó diệu vợi, tách ra đi riêng. Nó định vòng hồ tắm. Nhưng trước khi bắt kịp chúng tôi, nhỏ Thắm bị một chị lớp ngày xô xuống nước. Chúng tôi chạy vội lại. Tôi kéo nhỏ Thắm lên. Cũng may nó biết bơi. Thế là tiếng qua tiếng lại. Tim tôi nhói lên khi nghe câu "thứ ăn nhờ ở đậu không biết thân biết phận còn vác xác đến đây làm chi". Nhỏ Thắm, mặt tím ngắt, giận dữ. Tôi níu tay nó lại, sợ nó phản ứng gì. Lúc sau, chúng tôi kéo nhau về lớp. Tôi đưa nhỏ Thắm ra Taxi rồi mới quay vào. Câu chuyện được lan truyền mau lẹ. Ai cũng biết và ai cũng phàn nàn. Lớp tôi nhốn nháo và nhất định không chịu vào học. Chúng tôi xuống cả dưới sân ; đứa ngồi ghế đá nói chuyện, đứa đứng tụm nhau bàn tán. Văn phòng cho gọi "những chị nào ra hồ tắm lên ngay văn phòng bà hiệu trưởng". Vì được chứng kiến từ đầu sự việc, tôi thuật lại rành rẽ mọi chi tiết. Tôi những tưởng ít nhất cũng được một hai lời xoa dịu, nhưng điều dự đoán đã đến trái ngược. Chúng tôi lại được nghe giảng về kỷ luật nhà trường, được nhắc lại những nghịch ngợm cũ kỹ của chúng tôi, nhất là dấy động về thân phận của một học sinh lớp đêm. Chúng tôi không đứa nào nói thêm một câu. Có lẽ vì nghẹn ngào nhiều hơn là vì sợ bà hiệu trưởng. Ở văn phòng bước ra, tôi chậm chân lại để mấy nhỏ bạn không nhìn thấy tôi khóc...

Mấy nhỏ cùng lớp không còn lởn vởn ngoài sân nữa, nhưng đã kéo cả vào giảng đường. Nhỏ Hồng trường lớp chạy lên chạy xuống gọi mấy chị lên lớp học thầy đang chờ kia kìa. Không hiệu quả, giọng nó có vẻ năn nỉ hơn. Mấy chị làm ơn dùm đi. Rồi như dọa: Bà Giám học nói nếu mấy chị không chịu lên học, bả trừ cả lớp zéro điểm hạnh kiểm. Chỉ vài đưa theo nhỏ Hồng lên lớp. Tôi vẫn ngồi cạnh nhỏ Thanh. Câu chuyện xoay quanh học trò lớp ngày, lớp đêm. Như được dịp bứt đứt những giăng mắc đan kín trong tâm tư, hai đứa kể cho nhau nghe những kỷ niệm buồn, những mặc cảm, những uất nghẹn.

Bỗng nhỏ Thanh nói một đề nghị làm tôi ngạc nhiên: "Hay giờ tao với mày cúp cua đi chơi". Tôi chưa kịp trả lời, nó như giảng giải: "Nghĩ chỉ tổ tức thêm mà ngồi đây cũng phát ngán, đi chơi cho "thay đổi không khí". Tôi phân vân:

- Cổng khóa làm sao ra?

Nhỏ Thanh bĩu môi:

- Ngây thơ! Ai bảo mày ra đằng cổng? Thôi đi theo tao.

Tôi đứng lên theo đà kéo tay của nhỏ Thanh:

- Thanh, thế còn xe của mày?

- Lát nữa căn giờ về lấy.

- Cặp táp?

- Xách theo.

- Người ta thấy?

- Coi như pha!

Trống ngực tôi đập liên hồi. Nhịp thở lệch đi. Chưa bao giờ tôi thấy hồi hộp, lo sợ như hiện tại. Trong khi đó nhỏ Thanh có vẻ thành thạo. Nó dẫn tôi đi vòng phía sau, băng ngang sân nhà ông gác-dan rồi ra bằng cái cửa hẹp chỉ vừa lọt một người đi. Tôi phục nó. Nhỏ Thanh nheo một bên mắt, ra dấu bảo tôi gỡ chiếc phù hiệu mầu xanh nằm trên ngực. Cả hai đứa cười xòa. Tôi đã lấy lại được bình tĩnh và bắt đầu thấy thích thú. Coi như một cuộc phiêu lưu phá vỡ một chuỗi ngày tháng sống độc điệu, tạo được một cái gì mơ hồ là lạ.

Thành phố về đêm thoáng mát vô ngần. Gió thổi nhẹ làm se khô mồ hôi rịn ra ở thái dương, ở lưng. Con đường chúng tôi đang tản bộ rộng thênh, sạch sẽ. Ánh đèn ống nhạt nhòa. Chỉ thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe chạy qua. Dường như không có lấy một người bộ hành nào. Hai dẫy nhà im lìm nối nhau chạy dài mất hút. Khu vực này thuộc giới thượng lưu xã hội và nhiều ngoại kiều ở nên sinh hoạt về đêm vắng bóng.

Tôi hỏi nhỏ Thanh chúng mình đi đâu bây giờ. Nó hỏi ngược lại mày muốn đi đâu. Tôi đáp là tao tưởng mày đã có sẵn chương trình. Thanh cười, nói chương trình khỉ gì đâu, hay tụi mình lên Bến Thành? Tôi không trả lời gì nữa mà nhỏ Thanh cũng giữ thinh lặng luôn. Hình như nó cũng đang bận rộn với những ý nghĩ riêng. Sự êm đềm, bình yên của đêm dễ đưa con người vào thế giới nội tâm của mình. Tôi thầm tiếc giá người đi cạnh tôi là nhỏ Dung thì tôi sẽ nói thật nhiều. Về thật nhiều vấn đề, nhất là những ấm ức hiện hữu... Và về cả anh Long nữa. Tôi vừa chợt bắt gặp được một sự ấm áp mơ hồ, nhưng đồng thời tôi cũng nhận diện được những sợi tơ mềm hay đứt. Tôi đã thấy cả một mùa thu chết chắn lối đi. Đã héo lắm nụ cười trong mộng. Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu. Đã làm tím cả cảnh chiều. Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn. Dạo này cứ mỗi lần tôi trầm tư là có những áng mây đen kéo giăng trong ý nghĩ. Tôi càng gạt bỏ, chúng càng đậm nét. Mãi rồi tôi cũng không hiểu tôi ra sao nữa. Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm. Ta chưa thấu nữa là ai thấu rõ. Cuối cùng tôi đành thở dài nhè nhẹ. Muốn ra sao thì ra. Để trả lại sự nghỉ ngơi cho tâm trí, tôi lên tiếng hỏi nhỏ Thanh:

- Mày có hay theo "ban C" như thế này thườn không?

- Thỉnh thoảng thôi.

- Có lần nào văn phòng khám phá ra chưa?

- Sức mấy! Nhỏ Hồng bồ mí tao nên chẳng bao giờ nó ghi tao vắng mặt.

- Thú thật với mày hồi nãy tao lo ghê vậy đó.

Nhỏ Thanh cười ngất. Trong cái bình yên của đêm, tiếng cười của nó nghe trong trẻo, sắc cạnh. Tôi đoán sau này chắc nó sẽ sung sướng và may mắn nhiều. Tôi nhìn sang nhỏ Thanh. Khuôn mặt trông ngang của nó tuyệt đẹp dưới ánh đèn. Cái mũi dọc dừa cao cao tăng thêm vẻ quí phái. Mái tóc cắt ngắn ôm lấy vòng cổ trắng ngần. Nhỏ Thanh quay lại bắt gặp ánh mắt của tôi, nó hỏi bộ bữa nay tao lạ lắm sao mà mày nhìn dữ vậy, nhỏ Huyền? Tôi thành thật trả lời mày đẹp kinh khủng, chắc sau này mày sung sướng. Nhỏ Thanh bóp mạnh tay tôi, kêu thôi đi "bà"!

Ngược chiều với chúng tôi, một cặp tình nhân dìu nhau đi trong thinh lặng. Tôi khích tay nhỏ Thanh nói khẽ, coi du dương chưa? Người con gái thật bé nhỏ trong vòng tay ôm ngang lưng của người con trai. Dường như họ đã quên hết thực tại đến nỗi khi đi ngang chúng tôi nhỏ Thanh đằng hắng trêu chọc, tôi thấy họ không có phản ứng nào, dù chỉ quay lại nhìn. Tôi tự hỏi tình yêu huyền diệu đến thế sao? Hèn gì một thi sĩ đã nói:

Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu thân yêu
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu
Và tình ái là sợi dây vấn vít

Mải nói chuyện chúng tôi đến trung tâm thành phố lúc nào không hay. Đã lâu lắm tôi mới lại đặt chân tới đây. Vào đêm. Dễ chừng đã hơn hai năm rồi còn gì. Đêm nào cũng đến lớp từ khi mặt trời tắt nắng và ra về khi đêm đen đã bao đặc vạn  vật. Còn giờ đâu nữa để ngao du? Ở đây cả khu vực cháy sáng ánh đèn muôn mầu. Trên vỉa hè người đi lại vẫn còn đông. Xe cộ tấp nập. Nhộn nhịp. Tôi có cảm tưởng thiên hạ chuyên sống về đêm. Đầu con phố mà chúng tôi vừa đặt chân đến đứng im lìm một bệnh viện. Gần đó là một night club. Một nhà thương. Một hộp đêm đứng gần nhau. Ban đêm tôi mới thấy rõ sự trái ngược nhau đến độ sững sờ này. Ánh đèn néon chữ Restaurant Dancing Night club lập lòe chiếu sáng hàng chữ Bệnh Viện Sàigòn và cây chữ thập đỏ chói như máu đắp trên mặt tường vàng. Cách xa bệnh viện chừng một trăm thước, phía nào cũng có cọc mốc ranh giới: Giữ yên lặng Gần đến bệnh viện Cấm nhận kèn. Khiêu vũ trường nằm trong 100 thước. Hai thế giới khác biệt chung nhau một chu vi đất. Thính giác của tôi bỗng đón nhận một thứ âm thanh thác loạn của âm nhạc bắn ra từ trên gác night club đó. Tôi đoán những bệnh nhân trong y viện giờ này chắc cũng chưa ngủ được vì thứ nhạc gầm vang kia. Có thể cả nhà thương hướng về vũ trường mà vũ trường không biết sự hiện hữu của nhà thương. Nhưng cả hai vẫn chung nhau một mảnh đất!

Nhỏ Thanh kéo tôi vào một quán sách có lẽ cuối cùng còn mở cửa. Nó mua hai tập pơ-luya xanh và xấp phong bì có hình trái tim đan nhau trên góc. Những thứ của những kẻ yêu nhau thường dùng để tìm về nhau. Tôi hỏi Thanh:

- Viết thư cho bồ hả?

Nó nheo một bên mắt, gật đầu. Lại một ngạc nhiên nữa. Nhỏ Thanh có bồ từ hồi nào sao không có đứa nào trong lớp hay biết? Mà nó cũng giấu cả tôi. Đối với bọn con gái mới lớn chúng tôi, dường như câu chuyện đầu môi mỗi lần gặp nhau bao giờ cũng là "chuyện ấy", thành thử nhỏ nào có cái gì là lạ trong thái độ, ánh mắt, trong lời nói là thể nào chúng nó cũng nghi, rồi bằng đủ mọi cách, mánh khóe đi tìm "sự thật". Vô phúc cho nhỏ nào bị bắt gặp đi với một người con trai thì cả lớp nhốn nháo và đêm đó việc học bị ảnh hưởng ; bao nhiêu câu chuyện đều xoay tròn quanh một chủ đề: nhỏ... có bồ! Vậy mà đêm nay nhỏ Thanh còn gây được cho tôi một bất ngờ. Tôi hỏi dồn nó:

- Bộ mày có bồ thật hả? Có từ bao giờ?

- Mày hỏi dữ vậy làm sao tao trả lời. Ừ thì tao có bồ thật đấy.

- Có phải anh chàng phi công bữa trước đến đón mày không?

- Ừa!

- Sao mày nói là... anh mày?

- Không thế để tụi bay đem tao ra "hội thảo" à? Ai ngu gì!

Sau tiếng cười, nhỏ Thanh lấy giọng nghiêm lại dặn tôi:

- Chỉ riêng mày tao mới tiết lộ thôi đấy nhé. Đừng nói cho nhỏ nào biết nghe.

Tôi dọa nó:

- Tao không bảo đảm đâu. Người ta chẳng thường vẫn bảo đàn bà, con gái hay lắm miệng là gì.

Nhỏ Thanh có vẻ hối hận ; giọng nó chùng xuống:

- Biết thế tao hổng thèm nói với mày nữa cho xong.

Thấy nhỏ Thanh tội nghiệp tôi đập vào vai nó, nói:

- Nhỏ này nhát ghê. Tao đùa đấy. Hứa với mày là không có đến người thứ ba biết chuyện của mày.

- Thật há?

- Dối mày ăn cái giải gì.

Vẫn còn nghi ngờ, nhỏ Thanh đòi tôi ngoéo tay với nó để làm tin. Tôi chiều Thanh, nhưng nghĩ trong đầu đã biết yêu rồi mà hãy còn trẻ con. Tôi hỏi nó thêm:

- Chừng nào mày tính lên xe "lam"?

- Có thể đầu năm tới. Chờ "ổng" đi Mỹ về.

Nhỏ Thanh còn cho tôi biết cuối niên học này nó sẽ nghỉ luôn. Nó nói là học nữa cũng vô ích, lấy chồng là hết. Chẳng lẽ vào bếp mà lấy toán, lý hóa ra áp dụng hay sao, hoặc ru con bằng những công thức, định lý?

Bất chợt Thanh hỏi tôi:

- Thế còn mày tính sao?

- Tính gì?

- Còn giả đò ngây thơ nữa!

- Tao không hiểu mày muốn nói gì.

- Thì... lấy chồng đó.

Hiểu ra tôi chợt đỏ mặt. Một hình ảnh hiện ra trong trí, tôi xóa vội rồi ấp úng trả lời:

- Tao... có định tính toán gì đâu.

- Thế còn chàng anh của nhỏ Dung?

- Bậy!

Tôi cố gắng đưa ra thật nhiều lý lẽ để đánh lạc ý nghĩ của nhỏ Thanh. Cũng may nó không thắc mắc gì thêm. Tôi vội kể cho Thanh quyết định cuối năm nay dù thi đậu hay rớt tôi cũng nghỉ học, đi làm để giúp đỡ gia đình. Thanh nói ừa tội nghiệp mày ghê, tao thương mày, nhỏ Huyền ạ. Đến đây tự nhiên tôi cảm thấy buồn. Ý nghĩ về thân phận nổi lên từ tiềm thức. Những ngày tháng học-trò-đèn-khuya chờn vờn trong nuối tiếc. Như những trái xanh sắp rụng. Tôi không muốn nghĩ gì nữa trong lúc này nên kéo câu chuyện về hiện tại: Những dẫy building Ngoại kiều Cuộc sống về đêm Tiếng nhạc kích động Những bar nối dài Những người con gái ăn sương Quần áo Trang sức Bồn nước phun... Chúng tôi nói hết chuyện nọ đến chuyện kia. Mặc dầu các đối tượng không ăn khớp với nhau nhưng vẫn tạo được sự liên tục ; nhờ vậy sự thích thú nở tràn trong lời nói, ngấm nhẹ trong tâm hồn. Ở Thanh đêm nay tôi bắt gặp thật nhiều nhận xét thâm thúy, thật nhiều ý tưởng xác thực và thật nhiều ưu tư, khác với một nhỏ Thanh nghịch ngợm trong lớp, cười nói mạnh bạo. Dưới lớp vỏ mà cả lớp vẫn cho là vô tư của Thanh còn ẩn ngầm một chiều sâu sung mãn khắc khoải. Thì ra trong tuổi trẻ không phải lúc nào cũng toàn những ngày hội lớn. Tuổi trẻ hôm nay suy tư nhiều lắm. Những vấn đề dằn vặt họ không nguôi. Cũng vì vậy mà người ta cho rằng tuổi trẻ ngày nay khôn sớm hay đúng hơn "già" trước tuổi. Đó là một lợi lộc hay thua thiệt? Đó là "tuổi đời hoa mộng" hay "lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ"? Và phải chăng:

Từng ngón tay có bốn mùa trái đất
Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng
Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn?

Chúng tôi còn đi vòng mấy con phố nữa mới rủ nhau về. Nhỏ Thanh tính giờ này nếu đi xe trở lại nhà trường cũng vừa lúc tan học. Nó có thể lẩn vào đám đông để lấy chiếc Cady của nó. Không ai biết. Tôi định về thẳng nhà trước giờ ba đi đón ; như vậy đỡ mất công ba và nhất là tôi... ngại mấy nhỏ bạn biết tôi vừa "cúp cua". Tôi nói ý muốn của tôi. Thanh trả lời ừa thế cũng được, mày nhát như thỏ đế í.

Thanh lên xe trước tôi. Xe chạy được một quãng, nó vẫn còn giơ tay vẫy tôi. Con nhỏ này bầy đặt ghê. Nghĩ thế nên tôi chỉ mỉm cười theo. Còn lại một mình, tôi mới cảm thấy lo lo, sợ nhà trường biết hoặc ba mẹ hay việc làm của tôi đêm nay. Tôi không hiểu sao mình có thể liều như vậy. Thỉnh thoảng tôi có những hành động mà lúc bình thường, tôi nghĩ, tôi sẽ không dám thực hiện. Lúc đó chỉ có những cảm giác là lạ đưa đẩy làm nhòa nhạt ý thức. Tôi ở trạng thái của một người mộng du để rồi khi trở về với thực tế tôi chợt bàng hoàng, thức tỉnh, ân hận.

Dòng tư tưởng đang cuốn chảy trong đầu óc bỗng bị cắt đứt bởi sự xịch đến của một người cỡi xe Vespa. Tôi mở to mắt, lấy tay che miệng, thốt lên:

- Anh Long!

- Cô bé đi đâu mà đứng đây vậy? Tối nay không học à?

Sự hiện diện bất chợt của anh Long làm tôi bối rối:

- Dạ... dạ... Huyền nghỉ hai giờ sau.

Tôi thầm trách anh sao lại đến giữa lúc này? Nhận thấy câu nói vừa rồi chưa rõ nghĩa, tôi nói như biện minh:

- Nhỏ bạn trong lớp rủ Huyền đi xem phố đêm... Nó vừa về... Còn Huyền đang đứng đón xe Lam.

Anh Long cười:

- Giờ này chắc không còn xe đâu. Lên anh đưa về.

Sau chút do dự tôi ngồi lên yên sau. Tôi nghe như có những lớp sóng nhẹ vỗ trong lòng. Gió thổi ngược làm tung tóc và tôi cảm thấy gió len thấm tới từng tế bào. Mỗi lần xe giảm tốc lực, mặc dầu vẫn cố giữ chặt tay vào yên xe, tôi cũng không tránh khỏi những đụng chạm. Đó là một sự đụng chạm mơ hồ nhưng cũng đủ gây những cơn rùng mình chạy trên da thịt. Tôi nghe rõ tiếng tim đập trong lồng ngực. Một sự vô cùng ấm áp hiện đến nhẹ nhàng. Tôi muốn được đi mãi như thế này.

- Sao bữa nọ đang yên cô bé lại bỏ về?

Tôi giật mình như đang ngủ ngon giấc bị bất thình lình dựng dậy. Tôi chưa biết trả lời ra sao, tiếng anh Long lại vọng về phía sau:

- Bộ cô bé với nhỏ Dung giận nhau à?

Tôi thở ra nhè nhẹ. Thì ra anh vẫn chưa biết gì. Tuy nhiên tôi cũng không dám chụp lấy sự ngộ nhận của anh như một cơ hội may để che lấp sự thật. Tôi trả lời một cách tự nhiên:

- Đâu có, anh!

- Tại hôm đó khi khách về rồi, anh trở ra vườn, không thấy cô bé đâu, hỏi nhỏ Dung, nó cũng chẳng thèm nói gì ; mặt nó hầm hầm. Anh nghĩ hai cô bé lại giận nhau rồi.

Với tôi, dường như tôi đã quên hết những gì đã xẩy ra. Hiện tại tôi chỉ còn ý thức là mình đang ngồi chung xe với anh Long. Thế thôi.

Chiếc xe lượn hết phố này đến phố khác. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Long bộ quên đường đến nhà Huyền rồi sao mà chạy đường này? Anh trả lời là chạy vòng vòng cho mát, vì anh bù đầu với sách vở ở nhà thằng bạn từ chiều đến giờ. Tôi bắt đầu thấy lo, giờ này chắc ba đã lấy xe lại trường đón tôi. Nhưng không hiểu sao tôi không dám nói với anh Long cho tôi về sớm hơn. Tôi luôn luôn bị động trước ngoại cảnh. Đến độ, mặc dầu nỗi lo âu đã tràn ngập, khi anh Long nói hãy còn sớm chán, anh em mình vào đây ăn ly kem, anh khát nước muốn cháy cổ luôn, tôi vẫn không có phản ứng nào.

Dựng xe xong, anh Long vào trước, tôi theo sau. Như một cái máy. Trong quán tôi chỉ thấy lờ mờ những cái đầu cựa quậy dưới ánh đèn đỏ ngầu. Khói thuốc ngột ngạt. Một điệu nhạc của Trịnh Công Sơn lùng bùng trong không gian chật chội như đang muốn ngoi lên khỏi những tiếng nói chuyện ồn ào. Ngồi xuống ghế và giấu được chiếc cặp dưới gầm bàn, tôi liếc nhìn chung quanh. Thị giác đã quen dần thứ ánh sáng quái dị, tôi nhận ra, gần bàn chúng tôi hơn cả, hai cô gái mặc jupe cực ngắn, áo lưới, đeo kính râm ; đối diện họ là hai đứa con trai choai choai phì phà điếu thuốc. Cả bọn không nói gì với nhau. Xa hơn cũng có vài chiếc áo dài mà tôi chịu không nhận ra mầu gì. Ở đây dường như không ai biết sự hiện diện của ai.

- Cô bé dùng kem gì? Dâu nhá?

Tôi gật đầu. Rồi anh Long hỏi tôi về việc học thi và khuyên cuối năm cố gắng thi đậu. Tôi chỉ lơ đãng nghe chứ không nói gì. Tâm hồn tôi giờ này đã bay về cổng trường, nơi ba đang đứng chờ. Chung quanh tôi như có lửa đốt. Chất lạnh của kem không tạo được mảy may dễ chịu. Anh Long nói nhiều chuyện lắm. Tôi thấy thời gian như ngừng lại, ly kem ăn mãi không vơi. Hình như anh Long đang kể gì về Đà Lạt ; tôi chỉ nghe thoáng hai tiếng đó mà thôi. Và khi anh Long uống hết ly nước lạnh tráng miệng, ly kem của tôi vẫn còn một nửa. Anh hỏi:

- Cô bé không thích kem dâu hả? Anh nhớ thứ này là "tủ" của cô bé mà.

Tôi vội chống chế:

- Huyền thích chứ, nhưng Huyền để dành bụng lát nữa về ăn cơm.

Anh nhìn tôi, cười. Tôi thoáng thấy anh đẹp. Một cảm nghĩ bất chợt làm tôi cúi mặt. Ánh mắt của anh Long vẫn chiếu thẳng làm tôi nóng ran mặt mũi. Tôi luống cuống cho tay xuống bàn tìm chiếc cặp. Mãi khi anh Long gọi tính tiền xong, tôi mới tự nhiên trở lại.

Ra khỏi quán, tôi thấy nhẹ nhõm, dễ chịu. Xe chuyển bánh. Nghe gió thổi ào ào bên tai, tôi biết anh Long cho xe chạy nhanh. Tôi mong xe chạy hết tốc lực. Trong trí, tôi dự đoán những gì sẽ xẩy ra khi tôi về đến nhà... và tôi sợ hơn nữa. Tôi thầm cầu xin cho ba đừng giận, mẹ đừng la, Tôi thành thật hối hận về sự thiếu cương quyết của mình.

Xe dừng lại, tôi cảm ơn anh Long rồi vội vàng quay vào ngõ hẻm. Phía sau, tiếng xe anh Long rít lên rồi tắt dần, mất hẳn. Tôi đi như chạy. Mấy lần đôi guốc trật đi làm tôi suýt ngã. Gần tới nhà, tôi chậm bước lại, lấy tay đè ngực cho hơi thở bớt dồn dập, trái tim đập nhẹ hơn. Tôi đứng khựng lại ở ngưỡng cửa khi thấy bộ mặt hầm hầm của ba:

- Huyền, mày đi đâu giờ này mới về?

Tôi sợ đến run người. Mãi đến lần thứ tư ba lập lại câu hỏi tôi mới lúng túng, nói liều:

- Dạ... con quá giang... nhỏ bạn về.

- Mày có biết tao đứng chờ mày suốt từ khi tan học cho đến khi không còn người nào không? Học hành như vậy hả Huyền? Từ tối mai, đi về một mình, tao không đưa đón nữa, nghe chưa Huyền?

Tiếng ba vang lên. Tôi đứng trồng chân giữa nhà, không dám trả lời câu nào. Mẹ ở nhà trong đi ra, nói chêm vào con gái, con đứa lớn rồi phải lo mà giữ thân, thời buổi này mà cứ coi thường thì có ngày chết đấy con ạ. Ba nói Mẹ nói Rồi ba nói Rồi mẹ nói. Những âm thanh chát chúa thi nhau đập vào thính giác, cuối cùng tôi không còn nhận ra ba nói gì, mẹ nói gì. Nước mắt ứa ra. Tôi không còn thấy rõ gì nữa. Sự im lặng đến lì lợm của tôi có lẽ làm tăng thêm cơn tức giận của ba. Bất chợt ba tiến lại, giơ thẳng cánh tay, giáng vào mặt tôi. Trong mắt tôi lóe lên muôn ngàn đốm lửa. Tôi òa khóc, chạy vào trong buồng, nằm vật xuống giường. Nước mắt chảy đẫm cả mặt gối...

Tại anh đó, anh Long. Anh đâu biết "cô bé" của anh vừa bị đòn và đang nằm khóc đây nè. Giờ này anh đang làm gì? Chắc đang đọc báo hay nghe nhạc? Sao bộ mặt của anh vẫn có vẻ thản nhiên thế vậy? Ước gì có anh ở đây để dỗ "cô bé", để "cô bé"... khóc thêm nhiều nữa. Khóc vì sung sướng! Để bắt đền anh!

Tại anh đó, anh Long! Nhưng... em không giận anh đâu. Cuộc gặp gỡ tình cờ hồi tối cho em nhiều thích thú, thi vị. Anh đến làm sống dậy những gì đang thoi thóp trong em. Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên Bỗng ai mang lại cánh hoa tim. Nụ hồng hé nở đẹp hơn, anh ạ. Dâng anh đấy!

Anh nè, năm ngón tay của ba còn in hoằn trên má em. Em xem như đó là dấu vết kỷ niệm ngà ngọc đầu đời con gái của em. Đã vì anh Lần đầu tiên, đó anh...

Tiếng đồng hồ nhà bên cạnh thong thả gõ lên mười hai tiếng khô khan. Tôi vẫn nắm sấp, úp mặt trên gối. Ba mẹ đã đi ngủ. Chung quanh im lặng gần như tuyệt đối.

Tôi nằm nghĩ miên man mãi rồi thiếp đi. Và tôi đã mơ một giấc tuyệt đẹp mà trong đó tôi là một cô dâu...

__________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>