Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

CHƯƠNG HAI_ĐÈN KHUYA


hai


Mẹ nói thôi ngày mai lễ Phật-Đản người ta ăn chay nhiều nghỉ chợ một bữa cho khỏe. Người mừng nhất là tôi. Cứ nghĩ tối mai được ở nhà, không phải ngồi liền bốn tiếng đồng hồ dưới ánh đèn khuya, được thong thả qua nhà thím Sáu xem tivi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Đêm nay ở trường về, sau khi dùng cơm qua loa, tôi lên giường sớm. Nhưng nằm thao thức mãi, tôi không tài nào chợp mắt được. Những ý nghĩ về "chương trình ngày mai" đảo đảo trong đầu óc, phá rối giấc ngủ. Tôi định sáng mai sẽ tới nhà nhỏ Dung chơi cả buổi, nhưng không biết hai đứa sẽ làm gì, không lẽ lại lôi sách vở ra làm bài chung ; ngày nghỉ không bao giờ tôi để mình bị những công thức, định lý giăng mắc Hay hai đứa cứ  ra vườn nô đùa? Vùng trời xanh sẽ là bạn. Hoa trái sẽ là tri kỷ. Tiếng gió thoảng qua khe lá sẽ là những thì thầm hòa với tiếng nói chuyện nho nhỏ của hai đứa. Nắng vàng sẽ sưởi ấm những tâm tình vu vơ... Thế cũng tuyệt! Mà nếu có anh Long nữa thì chắc sẽ vui hơn nhiều. Những ý nghĩ của tôi lại vây quanh hình ảnh anh Long. Như một thôi thúc, một quyến rũ nào đó. Tuy trong bóng tối, tôi vẫn cảm thấy mặt tôi nóng ran. Tôi muốn xua đuổi để tìm một giấc ngủ bình an, nhưng tiếng nói, khuôn mặt của anh Long vẫn chập chờn trong tâm não. Tôi không hiểu mình ra sao nữa. Tôi mến anh Long. Điều này tôi đã hiểu từ ngày mới quen với nhỏ Dung. Như một người anh đối với cô em gái nhỏ, anh Long vẫn thường săn sóc, chỉ dẫn tôi không khác gì cho nhỏ Dung. Những năm trước đây, gặp anh Long, tôi vòi kẹo, ô mai hay bắt đền một chầu kem... Như một con bướm bay lượn tự do trên những bông hoa muôn mầu. Nhưng thời gian gần đây, "cô bé Huyền" (anh Long vẫn gọi tôi như thế) đã có gì đổi khác. Tôi hay trốn chạy những ánh nhìn của anh Long ; ngượng nghịu và mất tự nhiên mỗi khi tôi ngồi hay đứng một mình trước anh Long. Tôi tự trách mình sao có những đổi thay như vậy. Thì anh Long vẫn là... anh Long chứ khác gì đâu mà phải băn khoăn Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn không thể lạnh băng trong những lần gặp anh Long. Tôi vẫn thích được nghe nhỏ Dung kể về anh Long và rạo rực mỗi lần biết "anh Long cứ nhắc Huyền hoài à". Con bướm đã đậu xuống một bông hoa trong vườn hoa rồi sao? Tôi cũng không biết nữa. Tự nhiên tôi sờ sợ, sợ vì không hiểu mình đã trở nên như thế nào ; muốn tìm kiếm mình nhưng tôi lại ngại phải phân tích con người mình. Tôi hiện hữu ở một trạng thái lâng lâng. Tôi nhớ một thi sĩ cũng đã có những giao động thuở ban đầu như tôi:

Thuở ấy lòng tôi phơi phới quá,
Hồn trinh nguyên vẹn một làn hương, 
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao cho một vết thương.

Độ này ngồi bán hàng bên mẹ, nhiều khi tâm trí tôi bay bổng đến một nơi nào đó. Mẹ la hoài là con Huyền cứ như đứa mất hồn thôi. Chiều về thể nào mẹ cũng nói lại với ba về những lơ đãng của tôi. Có lần tôi suýt bật cười khi nghe được câu nói của ba: "Hay tại con nó học thi nhiều quá" Làm sao ba mẹ hiểu được con và con cũng không thể nói để ba mẹ hiểu. Ngay chính con, con cũng không hiểu con nữa là Con biết ba mẹ thương con, muốn ấp ủ và che chở con, nhưng tới giai đoạn đầu đời của con, ba mẹ sẽ chỉ biết lo âu đứng nhìn con chập chững bước đi mà không thể đưa tay cho con nắm: con như con chim non vừa rời xa tổ ấm để đập những nhịp cánh hoang dại giữa vùng trời biển rộng...

Nằm nghĩ lan man đến mãi khi đêm đã qua hơn một nửa tôi mới thiếp ngủ. Giấc ngủ nặng, đầy mộng mị. Tôi thấy tôi lang thang trên một con đường đầy bóng cây. Gió thổi mạnh tung chiếc nón và bay tà áo. Không một bóng người qua lại. Tôi nhớn nhác như con nai nghe tiếng động. Cuối đường một vùng ánh sáng tỏa lên. Tôi cắm đầu chạy. Đôi guốc đứt quai bật tung ra. Tôi chạy chân đất. Mưa bỗng đổ ào xuống. Sấm nổ vang rền. Những làn chớp xé màn đen trên trời. Tôi càng chạy vùng ánh sáng như càng lùi xa. Chân tôi đã rã rời, hơi thở muốn đứt trong lồng ngực. Còn đang sợ hãi, tôi hoảng hồn thấy ngay trước mặt, đất nứt làm hai, mở ra một vực thẳm. Tôi lùi lại, nhưng hai chân như bị mặt đường xích chặt. Nước mưa chảy mạnh làm lở đất trên bờ vực thẳm. Bỗng một cơn lốc thổi tung tôi lên xoáy trên không trung rồi thả tôi xuống vực sâu. Tôi thét lên... và tỉnh giấc. Mồ hôi rịn ra trên da thịt. Mẹ tôi ở giường trong, vén chiếc rideau, hỏi vọng ra:

- Gì mà la dữ vậy Huyền?

- Con mơ.

- Rán ngủ đi.

- Nhưng con... sợ quá mẹ ạ.

- Lớn rồi còn bầy đặt. Không sợ các em nó cười cho.

Giấc mơ ám ảnh tôi. Tôi không dám ngủ, sợ gặp lại vực thẳm, nhưng tôi cũng không dám mở mắt vì sợ thấy bóng tối. Người ta bảo chiêm bao thường có liên quan đến cuộc sống thực tế, có thể báo hiệu một chuyện sắp xảy ra nào đó. Mặc dầu cố không tin, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi suy nghĩ. Nếu đúng như những gì tôi đã sống trong giấc mơ thì tương lai của tôi chắc sẽ là vực thẳm! Tôi thở dài và hoang mang... Từ đó tới sáng tôi không ngủ lại được nữa. Người tôi mệt mỏi, rã rời. Đến khi tôi nghe bên nhà thím Sáu có tiếng lịch kịch và tiếng chuông của một ngôi giáo đường văng vẳng lại, tôi uể oải ngồi dậy.

Tôi đang ngồi giặt quần áo cho lũ em thì mẹ xuống:

- Sao mày dậy sớm vậy Huyền?

- Con không ngủ được à, lát nữa mẹ cho con lại nhà nhỏ Dung nha mẹ.

- Được ngày nghỉ mày lại đi.

- ... Con tới... học thi với nó chứ.

- Bộ ở nhà không học được sao?

- Tụi nhỏ phá lắm mẹ ơi!

- Úi giào cứ vẽ! Nếu có chí thì giữa chợ cũng học được. Để rồi cuối năm xem hai cô có đậu không nào hay là lại trượt vỏ chuối.

- Thế mẹ cho con đi mẹ nhá.

- Nhớ về sớm sớm đấy. Ba cô mà la thì rán mà chịu.

Tôi mỉm cười sau câu nói của mẹ. Những tháng gần đây, biết ba mẹ thương đặc biệt nên thỉnh thoảng tôi vẫn lợi dụng tiếng "học thi" để yêu sách này nọ. Thấy ba mẹ dành nhiều dễ dãi và hoài vọng nhiều vào mình, tôi cũng thoáng ân hận mỗi lần nói dối hay bỏ đi chơi.

Sau khi cho các em ăn sáng xong, dọn dẹp nhà cửa, tôi mặc áo đi ; dĩ nhiên tôi không quên cầm theo một hai cuốn vở. Con Hảo chạy theo nắm lấy tay tôi hỏi chị Huyền đi đâu vậy Chị lại đàng này một tí Chị nhớ mua kẹo cho Hảo nghe. Tôi vỗ vào chiếc má phinh phính của nó, gật đầu. Ở nhà nó là đứa em thương tôi nhất. Ngược lại tôi cũng cưng chiều nó hơn cả. Mẹ thường bảo con Huyền con Hảo cùng một khuôn mặt ; tính tình cũng chẳng khác gì nhau. Có lẽ vì vậy hai chị em quấn quít nhau.

Thành phố đã ngập nắng. Hai bên đường mang vẻ vui và nhộn nhịp hơn hẳn các ngày thường. Trước cửa nhà nào cũng treo cờ. Tôi nhớ ra hôm nay ngày Phật-Đản. Cũng may tôi không phải chờ lâu cũng đã đón được xe.

Vừa thấy tôi ngoài cổng, Dung chạy vội ra:

- Tới muộn thế "bà"? Tụi này chờ từ sáng đến giờ.

- Sạo hoài! Làm sao biết được tao tới mà chờ?

- Linh cảm! Với lại hôm nọ mày đã hứa mà.

- Sáng nay may mà bà bô nghỉ chợ, nếu không thì lúa rồi.

- Ủa, mày đem sách vở đi đâu vậy? Bộ tính ngồi gạo hay sao?

- Nếu không có những thứ này sức mấy tao đi được.

Hiểu ý, nhỏ Dung cười:

- Thôi đưa đây tao.

- Tối mai đi học nhớ đem theo cho tao đấy ; ông toán khám tập mà tao không có thì kể như tiêu luôn ba điểm hạnh kiểm.

- Bộ ổng khó lắm sao?

- Hết chỗ chê!

- Thôi mày vào trong nhà đi, anh Long đang chờ.

Câu nói của nhỏ Dung làm tôi muốn dừng chân lại. Tôi có cảm tưởng mặt tôi đỏ như vừa ở trong bếp ra. Với gia đình nhỏ Dung, tôi đâu có xa lạ gì. Ngôi nhà này, hồi còn đi học ban ngày, tôi vẫn ra vào thường xuyên ; thế mà sáng nay vừa nghe nhỏ Dung nói "anh Long đang chờ", tự nhiên tôi trở nên bối rối.

- Mày sao vậy Huyền?

- Đâu có gì.

Anh Long đang ngồi đọc báo ở bàn học. Nhìn bộ quần áo chỉnh tề của anh, tôi biết nhỏ Dung không nói dối. Tôi cố lấy giọng tự nhiên để đè ép nhịp tim không đều:

- Anh Long!

Hạ tờ báo xuống, quay lại thấy tôi, anh Long nói vọng ra:

- A, cô bé đã tới!

Tôi hơi khó chịu hai tiếng "cô bé" của anh Long dù rằng đó là tiếng anh thường dùng để gọi tôi. Nếu hai, ba năm trước đây cũng với tiếng đó tôi tìm gặp được sự cưng chiều, che chở thì những ngày tháng gần đây tôi không còn thích nữa ; chỉ bởi tiếng "cô bé" như phân định vị trì thấp kém của tôi. Nghĩ vậy nên đã có lần tôi nói với anh Long: "Huyền lớn rồi mà anh Long cứ gọi Huyền là cô bé hoài à, Huyền không chịu đâu" thì anh trả lời: "Chừng nào cô bé lớn bằng... quả xoài thì anh cho lên lon". Tôi chỉ biết cười xòa trước câu pha trò của anh Long. Thế là tôi vẫn thua anh Long như thường.

- Hai bác đâu rồi anh Long?

- Đi Thủ-Đức thăm anh chị Chính rồi. Bữa nay tụi mình "tiếu ngạo" một "cú" chơi, cô bé chịu không?

- Tiếu ngạo gì anh?

- Anh dẫn cô bé với nhỏ Dung đi chùa. Phật-Đản mà! À, mà cô bé đi có xin phép ba má không đấy?

- Có chứ, Huyền nói với mẹ là lên đây học thi với nhỏ Dung.

- Nói dối há! Anh méc bác cho coi.

- Thì Huyền đâu biết trước là anh dẫn đi chơi.

- Phải... thông minh một chút chứ. Ngày nghỉ mà...

Lúc đó nhỏ Dung bước vào. Có lẽ đã nghe hết những câu đối đáp giữa tôi và anh Long, nó vừa chải đầu vừa nói còn anh Long thì ngoan lắm đấy ; không biết ai nói với ba má là đến thư viện học rồi đi bát phố tưng bừng Anh Long cười bảo ơ tôi đâu nói cô mà cô chen vô chuyện "người nhớn", hay nhỉ Thì anh nói nhỏ Huyền cũng như là nói em Bộ cô cũng hay trốn đi chơi lắm sao? Nhỏ Dung "xí" một tiếng rồi hất hàm (lúc này sao tôi thấy nhỏ Dung có vẻ... đanh đá thế) nói người ta là con gái với nhau thì phải bênh nhau chứ, anh cứ cậy lớn bắt nạt hoài Thế thì anh chịu thua vô điều kiện, mình cô tôi nói còn không lại huống chi bây giờ hai "cây nói" hợp lại thì đến thánh cũng phải chạy nữa là mình anh Chúng tôi bật cười thành tiếng. Riêng tôi, tôi nghe rộn ràng trong ngực.

Ngồi trên taxi tôi kể cho nhỏ Dung nghe giấc mơ của tôi đêm qua. Nó bảo kỳ quá ha, tao cũng không biết là điềm gì nữa. Anh Long ngồi băng trên, ngoái cổ xuống góp chuyện:

- Theo anh đó là một điều hên. Khi nào mình mơ thấy xui thì trong cuộc sống mình gặp hên, còn nếu mơ hên thì thế nào cũng gặp xui, nghĩa là mộng và thực tế ngược nhau. Như cô bé thấy mình cô độc trong giấc mơ thì rồi sẽ được nhiều... "cây si" trồng trên các đường cô bé đi ; còn cô bé bị ném xuống vực thẳm tức là cuối năm cô bé sẽ thi đậu và trở thành một... mệnh phụ phu nhân!

Biết anh Long trêu, tôi cố giữ không phản ứng gì. Có lẽ thấy câu nói của mình không kết quả, anh nói tiếp:

- Làm lớn rồi chắc cô bé quên anh quá! À, nếu anh tới vay tiền thì đừng xịt chó cắn anh nghe, cô bé...

Đến đây tôi phải hét lên anh Long nói kỳ ghê, Huyền bắt đền cho xem.

Dọc đường, câu chuyện vẫn chỉ xoay quanh giấc mơ của tôi. Anh Long nói nhiều hơn cả, hết trêu tôi lại ghẹo nhỏ Dung. Khác với những lần trước đây, sáng nay tôi chỉ có những nụ cười nhẹ, những thoáng đỏ mặt trước những câu nói của anh Long. Có lẽ tôi mải bận với niềm vui đang lâng lâng trong tâm tư và mải nhìn cảnh vật chạy dài ngoài kính xe.

Nơi chúng tôi đến ở xa thành phố, cuối một con đường đất đỏ, hẹp. Anh Long bảo coi như sáng nay anh em mình đi picnic. Tôi lại trách anh đã không cho biết trước chương trình. Anh Long trả lời chính anh cũng không định gì cả, mãi tối qua anh mới nghĩ ra. Mà cũng chẳng sao, cái gì bất ngờ cũng đều thích thú.

Sau một quãng đường đi bộ, chúng tôi tới ngôi chùa. Phong cảnh thật đẹp và cũng thật hoang vắng. Ngọc-Lan-Tự đứng trên một ngọn đồi, nhìn bao quát xuống những thửa ruộng xanh rì. Vây quanh sườn đồi là những cây cao ngất, nhưng viền trên đỉnh đồi chỉ có những loại hoa đẹp và lạ mà tôi không thể đoán ra hết tên. Ngôi chùa không lớn lắm, nằm lẩn khuất dưới những tàn cây. Đứng từ phía xa người ta sẽ không nhận ra mái ngói đỏ hay chiếc cổng vòng cung của Ngọc-Lan-Tự. Chính vẻ âm u này tạo thêm sự huyền bí cho ngôi chùa. Có thể vì là lần đầu tiên tôi được dịp rời bỏ thành phố ồn ào và ngột ngạt nên dễ bị cảnh vật thiên nhiên lôi cuốn. Cũng có thể vì tâm hồn hay mơ mộng của tôi tìm gặp được môi trường thích hợp, hay có lẽ vì những giao động nhè nhẹ dâng trào trong tâm tư khi được sóng bước bên anh Long giữa vùng đất thơ mộng, nên tôi chợt nghĩ đến một ước mơ thoát tục để được sống cạnh người thương đầu đời trong khung cảnh tuyệt diệu này. Không giữ nổi tình cảm vu vơ, tôi thốt lên:

- Thật lý tưởng!

Có lẽ hiểu lầm câu nói của tôi, anh Long hí hửng:

 - Cô bé chịu nơi này không?

Tôi đành bắt nối câu chuyện về cảnh vật trước mắt:

- Sao hôm nay Phật-Đản mà chùa vắng thế này, anh Long?

- Rất ít người biết ngôi chùa này, hơn nữa lại quá xa thành phố.

- Kể anh Long cũng tài thật, khám phá ra nơi này...

Nhỏ Dung không để tôi nói hết câu, chen vào:

- Anh Long thì chỗ nào chả biết!

Anh Long định giơ tay ký đầu nhỏ Dung nhưng nó tránh được. Tôi hỏi anh Long:

- Chùa mà thơ mộng quá, anh Long nhỉ?

- Cô bé biết không, vị sư trụ trì Ngọc-Lan-Tự này là một thi sĩ ; vì có tâm hồn thơ nên ngài "trang điểm" cho cảnh vật chung quanh cũng... thơ luôn. Thật họa hiếm lắm ngài mới trở lại thành phố, chỉ khi nào hoàn thành một thi phẩm mới mà thôi. Dưới chân đồi có một cái vườn nhỏ đủ để cung cấp cho vị sư hai bữa rau hàng ngày. Có thể nói ngài đã siêu thoát!

- Tên của ngôi chùa nghe có vẻ "hồn bướm mơ tiên" ghê, anh há?

- Người biết chuyện kể lại là hồi còn trẻ ngài cũng một lần đóng vai... anh chàng Ngọc, nhưng sau vì trắc trở gì đó, ngài đành trốn vào cửa thiền.

Tôi thoáng chạnh lòng khi nghe mẩu chuyện của anh Long. Tôi thương những mối tình dang dở. Nếu có thể gọi những giọt nước mắt là những lời cầu xin chân thật nhất thì tôi nguyện sẵn sàng dành hết những cơn nức nở, nghẹn ngào cho những người-tình-chiến-bại để cầu cho họ tìm gặp lại tình yêu và những hạnh phúc ngát trời mây. Tôi nhìn bóng anh Long in cạnh bóng tôi trên lối đi. Làn gió nhẹ lướt trên đồi đem theo mùi hương phảng phất của hoa lá. Bất giác tôi thở dài.

- Cô bé nghĩ gì vậy?

Tôi chối ngay:

- Không, Huyền nghĩ gì đâu.

Nhỏ Dung liếc tôi nói:

- Nó đang mơ là chú tiểu Lan đó anh.

- Mày chỉ nói bậy thôi Dung ạ.

- Sức mấy! Tao thấy mày "mắt vương tơ" này!

Câu nói của nhỏ Dung làm tôi giật mình, bối rối. Tôi có cảm tưởng như nó vừa đọc một hàng chữ đậm trong tim tôi. Cũng may lúc đó, tôi không biết phải đối đáp nhỏ Dung ra sao thì anh Long đã lên tiếng rủ vào trong chùa lễ Phật.

Mùi hương phà vào khứu giác làm cay cay lỗ mũi khi tôi đặt chân lên thềm nguyện đường. Nơi bàn thờ, Đức Phật nhập thiền tĩnh tọa trên tòa sen trong một dáng điệu bao dung, hiền từ. Tôi nghe lòng mình chùng xuống trong khung cảnh thanh tịch này. Nhỏ Dung ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Bỏ giầy ra rồi vào cầu nguyện đi.

- Cầu nguyện gì bây giờ?

- Tùy mày! Ừ thì xin thi đỗ này, xin cho... tình yêu của mày này...

- Đừng nói bậy!

- Đừng giấu tao!

Tôi nghe ngột ngạt trong hơi thở. Lúc này tôi thấy nhỏ Dung có vẻ ác ghê vậy đó. Tôi như một con chim nhớn nhác trên cành trước cây súng cao su của một thằng bé tinh nghịch. Không hiểu trên khuôn mặt, trong ánh mắt hay bộ điệu của tôi sáng nay có gì khác lạ để cho người ngoài có thể đọc được? Anh Long đang nghĩ gì về tôi? Tự nhiên một nỗi lo lắng xâm chiếm tâm hồn và tôi cảm thấy như mình đang đi trên một sợi dây. Tôi liếc vội sang anh Long. Khuôn mặt nhìn ngang của anh cắt trên nền tường trắng vẫn mang những nét bình thản cố hữu. Tôi hơi an tâm.

Nhỏ Dung đã lên sát bàn thờ, lấy xuống một nén hương rồi ra hiệu vẫy tôi đến. Như một cái máy, tôi bước lên. Hai đứa quì xuống lạy Phật. Tôi đọc trong trí tưởng những điều mơ ước. Tôi giả vờ cúi xuống lâu hơn để che khuôn mặt đang nóng ran.

Khi tôi và nhỏ Dung quay ra thì không thấy anh Long đâu. Nhỏ Dung nói chắc anh này định chơi trò ú tim đây. Ít phút sau, từ phía sau bàn thờ, anh Long bước ra với nụ cười mỉm trên môi và dáng vẻ bí mật. Không hiểu anh lẻn vào lúc nào? Anh như thích thú hơn khi nhìn thấy hai bộ mặt ngơ ngác của chúng tôi. Anh không giải thích gì chỉ ra dấu bảo chúng mình xuống chân đồi xem con suối. Đi được một quãng, anh Long cho tay vào trong áo lấy ra ba bốn trái quất chín vàng:

- Này tặng mỗi cô bé một trái.

Nhỏ Dung mở tròn xoe mắt:

- Ở đâu thế?

- Của chùa đấy.

Tôi cũng ngạc nhiên không kém:

- Làm sao anh Long có vậy?

- Anh xin Đức Phật!

Giờ tôi chợt hiểu những việc làm của anh sau bàn thờ Phật. Tuy mang vẻ bên ngoài nghiêm nghị, nhưng anh Long lại rất nghịch. Trước đây tôi tưởng anh đùa khi nói: "Tới bất cứ ngôi chùa nào thì việc đầu tiên của anh là xin Đức Phật ban cho... lộc thánh". Vừa ngắm trái quất, tôi hỏi anh Long:

- Bộ anh Long không sợ tội sao?

- Anh làm gì đâu mà tội với lỗi. Mình là con Phật thì... của cha cũng như của con chứ gì.

Chúng tôi cười ròn tan sau... câu giải thích của anh Long.

Lúc này mặt trời đã lên cao. Xuyên qua các khe lá, hoa nắng trải đầy trên thảm cỏ xanh, nhảy múa trên người chúng tôi. Tiếng rì rào của cây cỏ quyện lên lưng chừng cao. Thấy tôi vẫn vân vê trái quất nơi tay, anh Long hỏi:

- Cô bé chê quất của anh hả? Ăn đi, ngọt lắm!

Tôi cười:

- Huyền để dành làm... kỷ niệm.

Trả lời xong, tôi liếc nhìn anh Long, bắt gặp ánh mắt của anh đang chờn vờn trên tôi. Tôi vội quay đi, ngượng ngùng. Để che vẻ bối rối tôi vờ cúi xuống bứt một cánh hoa dại gần đấy rồi đưa lên mũi. Mấy vần thơ của thi sĩ Nguyễn-Nhược-Pháp thoáng hiện trong tâm tư tôi:

.....................
Đường mây kia lên trời
Ta bước tựa vai kề,
Yêu nhau, yêu nhau mãi,
Đi, ta đi, chàng ôi!
.................... 
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho con... lấy chàng!

Từ đó xuống dưới chân đồi không ai nói với ai câu nào. Dường như người nào cũng đuổi theo những ý nghĩ riêng tư của mình.

Tôi không ngờ cảnh vật ở đây nên thơ đến thế. Tôi cảm phục vị sư của ngôi chùa Ngọc-Lan và tôi đoán vị sư này phải là người miền Bắc mới tạo lại được hình ảnh ngôi "chùa Hương" ở đây Réo rắt suối đưa quanh Ven bờ ngọn núi xanh  Nhịp cầu xa nho nhỏ Cảnh đẹp gần như tranh.

Lòng con suối nhỏ nhưng nước trong vắt, uốn chảy quanh chân đồi. Thấy nước, nhỏ Dung thích chí, vừa chạy vừa la Huyền ơi lại đây rửa mặt cho đã. Tiếng cười trong trẻo của nhỏ Dung lan đi trong kẽ lá, ngọn cỏ. Không chờ tôi tới, Dung đưa tay vục nước lên mặt. Tôi bắt chước nó. Chất lạnh làm dịu làn da căng bóng. Tôi vừa ngỏ ý muốn được rửa chân, anh Long đã nói:

- Cô bé đưa tay anh níu cho mà rửa.

Tôi do dự, đưa mắt nhìn sang nhỏ Dung đang hất nước lên những bông hoa mọc ven suối.

- Không ai làm cô bé ngã đâu mà sợ.

Tôi chớp chớp mắt rồi rụt rè chìa bàn tay phải cho anh Long nắm, còn tay kia vén áo và nắm chặt trái quất. Toàn thân tôi như nóng bỏng, muốn tan vừa khi tay tôi chạm đến tay anh Long. Cơn rùng mình chạy dài khắp thân thể. Tôi quơ chân đại mấy cái rồi thôi, và rút vội tay về. Nhỏ Dung nhìn tôi nói thích chứ mày? Tôi không hiểu nó có ẩn ý nào không trong câu nói, nhưng sao tôi vẫn thoáng thấy sự tinh quái trong ánh mắt và nụ cười của nó. Tôi nghĩ thầm được hôm nay tao thua mày, để khi nào có dịp tao sẽ cho mày khóc và nhớ đừng trách tao ác nghen Nhưng cũng từ lúc đó tôi không còn tự nhiên bước cạnh anh Long, không còn dám nhìn thẳng khuôn mặt anh ; tay tôi sẽ thừa thãi nếu không có trái quất để cầm. Tôi trở nên ít nói trên đường về. Trong tâm tư tôi ghi nhận hôm nay như một ngày vui để đời của tuổi con gái đang độ ươm mơ. Trước mắt tôi một nụ hồng vừa hé nở long lanh dưới ánh tơ trời. Tôi muốn ngắt bông hoa đó nhưng ngại những chiếc gai nhọn tua tủa làm rướm máu tay. Tôi đang sống lại cảm giác của thời tám tuổi sau khi uống trộm ly rượu thuốc của ông nội, đồng thời tôi cũng có tâm trạng háo hức của một đứa trẻ sắp được đi chơi xa. Phải chăng một cuộc hành trình dài, mới lạ đang chờ tôi dấn thân? Tôi cũng không biết nữa. Bởi vì giờ đây dường như tôi không còn ý thức nữa về sự hiện hữu của tôi...

Chúng tôi về đến nhà thì đã gần hai giờ trưa. Anh Long bàn bọn mình mua bánh mì rồi đem ra vườn vừa ăn vừa nghe nhạc. Tôi và nhỏ Dung đồng ý ngay. Chỉ ít phút sau những miếng bánh mì, đĩa trứng tráng và một vài món ăn khác đã được bầy biện trong chiếc áo mưa nhà binh. Không hiểu nhỏ Dung kiếm được ở đâu bông hoa thược dược để cắm trên trái chuối giữa "mâm cơm". Nó vẫn được tiếng là khéo trang hoàng.

Khi chúng tôi vừa khởi sự "nhập cuộc" thì có tiếng chuông reo ngoài cổng. Anh Long bảo:

- Có lẽ ba má về.

Nhỏ Dung lắc đầu:

- Gì mà sớm vậy. Để em ra xem ai.

Nói xong nhỏ Dung chạy ra phía cổng. Tôi hơi ngượng khi thấy chỉ còn lại mình tôi ngồi đối diện với anh Long. Không ai nói câu nào. Lúc sau nhỏ Dung quay trở vào, hớt hải:

- Anh Long, có người đẹp tìm anh.

Tôi ngừng cử động, chăm chú nhìn nhỏ Dung, rồi anh Long. Tiếng anh Long hỏi:

- Ai vậy?

- Chị Phượng.

- Sao không nói anh đi vắng?

- Em biết đâu đấy. Chuyện của anh mà!

- Phiền nhỉ.

- Thôi anh ra đi kẻo người ta chờ.

- Mày chẳng được tích sự gì hết, Dung ạ!

- Ơ cái anh này. Ai bảo không dặn trước?

Anh Long bỏ trái chuối đang ăn dở xuống, lững thững đi ra. Tôi ngồi lại ; mẩu bánh mì đang ngậm trong miệng trở nên khô, nhạt nhẽo. Tim tôi đập lệch nhịp. Giữa trưa nắng mà tôi tưởng trời đang vần vũ. Gió của cây lá trong vườn tự nhiên như ngừng thổi làm không khí ngột ngạt. Tiếng âm nhạc phát ra từ chiếc cassette thành trơ trẽn. Giọng nhỏ Dung văng vẳng bên tai tôi:

- ... Chị Phượng là bạn cùng trường với anh Long. Nghe nói hình như anh Long quen chị Phượng vào đầu niên học vừa qua. Kỳ ghi danh, sinh viên quá đông mà chị Phượng chờ từ sáng sớm đến gần trưa cũng không chen vào được. Anh Long nổi máu nghĩa hiệp giúp chị Phượng nộp hồ sơ. Chị Phượng cũng đến đây chơi mấy lần... Tao thấy, nhưng không chắc lắm là chị Phượng có cảm tình với anh Long. Còn anh Long, với ai tao thấy anh ấy cũng tỉnh bơ không hà...

Nói đến đây nhỏ Dung ngừng lại rồi như sực nhớ điều gì quan trọng, nó đứng dậy:

- Mày ngồi đây nhá, tao vào rót nước ; tí nữa thì quên!

Như bị một động lực thúc đẩy, tôi theo nhỏ Dung:

- Tao vào với mày.

Khi nhỏ Dung đặt hai ly nước trên khay, tôi đòi bưng ra. Tôi đoán lúc đó có thể nó ngạc nhiên về thái độ của tôi. Bước vào phòng khách, tôi cố lấy giọng tự nhiên chào "chị ạ" người con gái mà nhỏ Dung gọi là chị Phượng. Anh Long chỉ tôi giới thiệu đây là cô bé Huyền, bạn rất thân của Dung. Sao lúc này tôi ghét anh Long thế. "Mắc mớ gì mà anh lôi tôi ra giới thiệu. Tôi chỉ bằng lòng cho anh gọi tôi là cô bé khi anh nói chuyện với tôi mà thôi. Mặc xác anh với Phượng của anh". Cơn tức tối dâng trào trong lồng ngực, nhưng cũng may tôi còn đủ nghị lực và sáng suốt để không có một phản ứng lộ liễu đáng tiếc nào. Tôi đặt khay nước xuống bàn, mời:

- Anh, chị xơi nước!

Tôi vừa nhấn mạnh hai tiếng "anh chị" vừa nhìn người con gái mang tên Phượng. Nàng cũng nhìn tôi, nói cảm ơn Huyền. Tôi quay phắt vào nhà trong.

Bây giờ tất cả đối với tôi đều vô nghĩa, chán chường. Tôi đòi về. Nhỏ Dung cuống quít, kêu bộ con này điên rồi hay sao, anh Long la mày chết. Tôi ghét cả những ai nhắc đến tên anh Long, nên khi nghe nhỏ Dung nói tôi càng cương quyết giữ ý định hơn. Dung dằng lại chiếc áo dài ở tay tôi, nói:

- Huyền, mày giận tao hả? Sao đang vui mày bỏ về ngang xương?

Tôi nghe thật cay đắng khi nhỏ Dung dùng tiếng "đang vui" để giữ tôi lại. Tuy nhiên nhìn bộ mặt thiểu não của nó, tôi cũng bắt tội nghiệp và thương nó. Tôi chống chế:

- Tao hơi khó chịu trong người.

- Thì mày vào trong giường tao mà nằm. Khó chịu mà lại lao đầu ra nắng thế kia.

Biết mình vô lý, tôi nói dối quanh:

- Với lại sáng nay tao hứa với bà bô đi tới trưa thì về ; như vậy là muộn rồi đó mày.

Nhưng nhỏ Dung vẫn liến thoắng:

- Sạo! Hồi sáng mày mới nói là không phải đi bán hàng nên được tự do cả buổi, bây giờ lại nói là... là...

Rồi bỗng nó lấy giọng trang nghiêm:

- Tao hỏi thật mày, có phải tại chị Phượng...

Không để nhỏ Dung nói hết câu, tôi vung tay vào khoảng không:

- Dính dáng gì tới tao... Thôi đưa áo tao.

Những câu đối đáp ngắn được ném qua ném lại giữa tôi và nhỏ Dung. Cuối cùng biết không thể lay chuyển ý định của tôi, nhỏ Dung hờn giận ném trả lại tôi chiếc áo dài rồi bỏ ra ngoài vườn:

- Đó, về đi!

Tôi buồn chán cởi trả nhỏ Dung chiếc áo cánh rồi bận lại áo dài trắng. Nếu sáng nay chiếc áo mầu học trò này mang nhiều ý nghĩa mà tôi đã chọn giữa những chiếc áo mầu để chiều ý một người (anh Long vẫn bảo anh thấy cô bé mặc áo mầu trắng là đẹp và sang hơn cả)... thì bây giờ tôi có cảm tưởng đó là mầu của băng lạnh, của tang chế. Tôi cầm lấy trái quất trên bàn trang điểm của nhỏ Dung rồi lặng lẽ ra khỏi nhà.

Nắng cháy ngập tràn thành phố. Hơi nóng thấm nhập vào từng phần trên thân thể tôi. Những bước chân của tôi nặng nề và rã rời. Tôi tìm những con lộ vắng để đi, không cần biết đi đâu, mà tôi cũng chưa có ý muốn trở về nhà vào lúc này.

Tâm hồn tôi đã trở lại bình phẳng như mặt nước hồ lặng lờ sau cơn gió mạnh. Tôi nhìn rõ tôi hơn. Không hiểu sao tôi có thể giận dỗi về sự hiện diện của một người con gái khác, xa lạ trong nhà nhỏ Dung? Hay tại tôi đã yêu anh Long? Tôi không chối cãi là hình ảnh anh Long đã in đậm nét trong tâm hồn tôi. Anh, như một hình-ảnh-người-con-trai-đầu-đời trong thời con gái của tôi. Anh, như một bóng mát ngà ngọc cho những bước chân đơn độc của tôi. Anh, như một vỗ về cho những đêm khó ngủ, những chuỗi thời gian độc điệu của tôi... Tôi không biết là đã yêu anh Long chưa hay đó chỉ là những giao động của người con gái mới lớn, nhưng nếu bảo xóa nhòa hình ảnh của anh để thay thế bằng một thứ hình ảnh khác chắc chắn tôi sẽ không chịu hay không thể được Nhưng còn anh Long, anh đã nghĩ gì về tôi? Anh dành cho tôi một vị trí nào trong thế giới tình cảm của anh? Nhiều lần tôi muốn ướm đo qua những lời kể của nhỏ Dung, qua ánh mắt và cử chỉ của anh Long, nhưng tôi vẫn chỉ tìm gặp được những chăm sóc của một người anh, những tiếng cười rạng rỡ, những điệu bộ tự nhiên. Thế thôi! Sự thật hiện ra rõ rệt nhất trong trưa nay. Thì ra anh đã có một đối tượng! Tôi trách tôi đã quá mơ mộng, với cao. Hơn lúc nào hết tôi thấy rõ thân phận tôi : một đứa con gái nghèo còn sống nhờ vào đồng tiền mồ hôi, nước mắt của cha mẹ. So sánh với "người ta" tôi thua kém cả một trời, một vực. "Người ta" học đại học, giầu có, sang trọng trong khi tôi hằng đêm phải chăm chú dưới ánh đèn khuya và hàng ngày vất vả với việc buôn bán... Nghèo phải chăng là một yếu tố giết chết những hoài bão?

Tôi nhớ lại giấc mơ đêm qua của tôi và lời giải thích sáng nay của anh Long Đấy anh thấy không, chiêm bao và thực tế y hệt nhau Tương lai của em chỉ là vực thẳm Khởi sự cuộc hành trình em đã đơn độc thì suốt đường cho tới khi chấm dứt vẫn chỉ một mình em với em. Cơn gió lốc cuộc đời sẽ thổi tung em lên rồi vứt xuống vực thẳm như em đã bị thế trong giấc mơ. Dù sao em cũng cám ơn anh đã cho em một buổi sáng diễm tuyệt đầu tiên trong lứa tuổi ươm mơ của em. Còn bây giờ... thì hết rồi anh ạ!

Giờ vui đời có vậy
Thoảng ngày vui qua rồi.
.............................. 
Em tìm chàng hơi thở.
Chàng ôi! Chàng có hay!

Nước mắt ứa lên tràn xuống má. Tôi cắn chặt môi cho tiếng nấc không bật ra khỏi cổ. Nhìn xuống bàn tay tôi thấy quả quất đã vỡ nát từ hồi nào.

Tôi vẫn lầm lũi bước đi dưới những phiến nắng cháy bỏng...

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BA

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>